![]() |
Bush (đằng trước) và Mineta, Chavez, Abraham (từ trái sang). |
Những nhân vật mới
Việc đưa được Mineta vào trong nội các là một điều đáng mừng cho Bush, vì ông đang cố gắng thuyết phục một thành viên Đảng Dân Chủ tham gia nội các của mình. Bush gọi Mineta là một “người Mỹ tài năng kỳ lạ” và nói rằng ông rất vinh dự vì Mineta đã chấp nhận tham gia nội các của ông. Đây là một quyết định đã được dự đoán từ trước- một cố gắng hàn gắn rạn nứt về đảng phái sau cuộc bầu cử tổng thống.
Mineta, 69 tuổi, khẳng định một lần nữa sự trung thành của ông với Đảng Dân Chủ, và tuyên bố tại một cuộc họp báo: “Tôi là một người Dân Chủ cả viết hoa, hay viết thường”.
Theo một quan chức trong Nhà Trắng, Mineta đã định ra những điều kiện để tham gia nội các như: Ông sẽ không phải vận động cho Đảng Cộng Hoà và được quyền chọn ra những người cấp dưới riêng của mình. Vị cựu Hạ nghị sĩ này đã từng vận động cho Al Gore và đã nghi ngờ sự thẳng thắn của Bush sau những tin được tiết lộ gần đây về việc ông từng bị bắt giữ do lái xe trong khi say rượu ở Maine năm 1976.
Năm 1996 và năm 1999, Abraham là một trong một số thượng nghị sĩ đòi huỷ bỏ Bộ Năng lượng, vì dính líu vào các vấn đề về an ninh tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamas. Tuy nhiên, các dự luật này đều không được thông qua.
Ông phục vụ một nhiệm kỳ trong Thượng viện, trước khi thất bại trong cuộc chạy đua với Stabenow hồi tháng mười một.
Abraham, nếu được Quốc hội chấp thuận, ở cương vị Bộ trưởng Năng lượng, sẽ phải đối phó với những vấn đề khó khăn: Việc nới lỏng các quy định ở các thị trường điện lực miền Tây đã làm cho giá bán buôn điện tăng vọt ở California. Giá gas tăng ở một số khu vực trong nước. Các nước OPEC sẽ thảo luận về khả năng giảm sản lượng dầu trong kỳ họp 17/1 tới.
Bush và Abraham đều kêu gọi tăng cường thăm dò dầu mỏ trong nước hôm thứ ba.
Chavez, 53 tuổi, cam kết sẽ củng cố các điều kiện làm việc an toàn và để củng cố các luật lệ về lao động để ngăn chặn việc các chủ thầu phân biệt đối xử. Bà là mục tiêu công kích về nhiệm kỳ gây tranh cãi 1983-85 làm Giám đốc Uỷ ban Quyền dân sự trong chính quyền Reagan, và việc bà phản đối chính sách về những quyền dân sự quan trọng.
Bà rời Chính quyền Reagan để tranh cử chức thượng nghị sĩ bang Maryland năm 1986 nhưng thất bại. Từ đó đến nay, bà viết báo.
Nội các của Bush
Nội các này bao gồm: Colin Powell, Ngoại trưởng; Paul O’Neill, Bộ trưởng Ngân khố; Dons Evans, Bộ trưởng Thương mại; Ann Veneman, Bộ trưởng Nông nghiệp; Mel Martinez, Bộ trưởng Nhà cửa và Các vấn đề đô thị; John Ashcroft, Tổng chưởng lý; Christine Todd Whitman, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường; Donald Rumsfeld, Bộ trưởng quốc phòng; Gale Norton, Bộ trưởng Nội vụ; Rod Paige, Bộ trưởng Giáo dục; Anthony Principi, Bộ trưởng Cựu chiến binh; Norman Mineta, Bộ trưởng Giao thông vân tải; Linda Chavez, Bộ trưởng Lao động và Spencer Abraham, Bộ trưởng Năng lượng
Đây là một nội các đa sắc tộc với: 2 người gốc Mỹ La-tinh, 2 người da đen (không kể Codoleezza làm Cố vấn an ninh quốc gia), và 1 người Mỹ gốc Á, Mineta. Bush cũng đề cử 3 phụ nữ, trong đó có một người được chọn để đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường.
Một số thành viên trong Đảng Dân Chủ nói rằng tuy nội các đa sắc tộc, đó là một nội các có tư tưởng rất bảo thủ. Một số người đe doạ sẽ ngăn chặn việc chọn một số ứng cử viên khi danh sách này được đệ trình lên Quốc hội trong các tuần tới đây. Người ta lo ngại là quá trình này có thể càng kéo dài, do chênh lệch sít sao của Đảng Cộng Hoà trong Quốc Hội
Hôm thứ ba, lãnh đạo phe đa số (Đảng Cộng Hoà) trong Thượng viện, Trent Lott, nói rằng các uỷ ban sẽ bắt đầu xem xét các ứng cử viên vào tuần tới. Dự định, Thượng viện sẽ thông qua đa phần các ứng cử viên vào 22/1, hai ngày sau khi Bush nhậm chức.
Chân dung Mineta
Mineta sẽ giữ một vị trí hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ, trở thành thành viên đầu tiên trong Nội các hoạt động trong hai chính quyền kế tiếp của hai đảng khác nhau. Edwin Stanton từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền của Tổng thống Buchanan (Đảng Dân Chủ) và sau đó là Bộ trưởng Chiến tranh của người kế nhiệm Buchanan, Tổng thống Lincoln (Đảng Cộng Hoà), nhưng giữa hai thời kỳ vẫn có một một quãng ngắt. Còn James Schlesinger, làm Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời hai Tổng thống Đảng Cộng Hoà là Nixon và Ford, sau đó thôi giữ chức năm 1975. Năm 1977, ông tham gia Chính quyền của Tổng thống Đảng Dân Chủ Carter, làm Bộ trưởng Năng lượng.
Khi Mineta 10 tuổi, ông cùng gia đình và hơn 120.000 người Mỹ gốc Nhật khác đã bị quây vào các trại giam, sau khi Nhật đánh bom Trân Châu Cảng tháng 12/1941.
Ông là người gốc Á đầu tiên làm thị trưởng ở một thành phố lớn (San Jose- California), người gốc Á đầu tiên đứng đầu một uỷ ban trong Hạ nghị viện và người gốc Á đầu tiên tham gia nội các của Clinton
Mineta từng phục vụ 20 năm trong Quốc hội, hai năm cuối là Chủ tịch uỷ ban Giao thông vận tải và Công trình công cộng. Năm 1995, ông từ chức để làm phó chủ tịch cấp cao của Công ty đấu thầu cho quốc phòng Lockheed Martin Corp., và hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chẳng hạn, ở Lockheed, ông đã làm việc về “hệ thống đường cao tốc thông minh”, nhằm giúp dòng chảy xe cộ mà không cần phải xây thêm các con đường mới, bằng các biện pháp như các điểm thuê lệ phí đường bằng điện tử. Trước đó, ông đã bảo trợ dự luật năm 1991 dành 660 triệu USD nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Kenneth Quinn, luật sư trước đây cho Bộ trưởng Giao thông vận tải dưới thời Bush (cha) cho rằng Mineta đã có công dẫn dắt bộ luật năm 1990 về việc thay thế những máy bay gây nhiều tiếng ồn bằng những máy bay ít ồn hơn và tăng phí của hành khách ở sân bay để cải tiến trang thiết bị.
Việc Mineta rời quốc hội sau khi Newt Gingrich (Đảng Cộng Hoà) trở thành chủ tịch Hạ viện làm cho một số thành viên trong Đảng Dân Chủ thất vọng vì vị trí của ông đã rơi vào tay một thành viên Đảng Cộng Hoà trong một cuộc bầu cử đặc biệt. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc ông được chọn làm Bộ trưởng Thương mại trong Chính quyền Clinton.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân Chủ Tom Lantos thuộc bang California, nói rằng việc bổ nhiệm ông sẽ đem lại lợi ích cho Thung lũng Silicon, bang California và cộng đồng Mỹ gốc Á. (Mineta là người California thứ ba trong nội các của Bush. Hai người kia là Anthony Principi và Ann Veneman). Mineta là một trong những người đầu tiên ủng hộ Thung lũng Silicon.
Trái tim Mineta chưa bao giờ rời xa những người đồng hương của mình. Ông đã theo đuổi cho đến khi dành được một đoạn trong Đạo luật Tự do dân sự năm 1998. Theo đó, nước Mỹ phải xin lỗi về các trại giam người Mỹ gốc Nhật và trả tiền bồi thường 20.000 USD cho mỗi người từng bị giam giữ còn sống cho đến bây giờ.
Minh Châu (theo AP, BBC, 3/1).