Kèm theo giấy giới thiệu là một lá thư, cũng của Hội Chữ thập đỏ. Lời lẽ trong thư rất thống thiết, về sự nghèo khổ, về những nỗi đau, và về sự nỗ lực của Hội Chữ Thập đỏ, khi họ lao tâm khổ tứ đi quyên góp, giúp cho những mảnh đời bất hạnh.
Tôi xiêu lòng. Tuy nhiên, khi xuất tiền thì kế toán trưởng ngăn lại, yêu cầu phải xuất hóa đơn của Hội Chữ Thập đỏ. Anh chàng này cho rằng không có gì khó khăn, chỉ là theo quy định của kế toán bên Hội Chữ Thập đỏ, anh ấy phải mang tiền về thì kế toán mới xuất hóa đơn.
Kế toán của tôi không chấp nhận. Nhưng tôi đã quyết định xuất tiền cho anh ta. Hôm sau, y hẹn, anh ấy mang hóa đơn tài chính đến. Đó là hóa đơn của một công ty nào đấy, chứ không phải của Hội Chữ Thập đỏ.
Vài tháng sau, một người khác đến. Cũng giấy giới thiệu, cũng thư thống thiết từ Hội Chữ Thập đỏ. Lần này họ muốn chúng tôi tặng một số xe lăn cho người tàn tật. Nếu tôi tặng ở mức cao nhất là 50 xe, tôi sẽ được coi là nhà tài trợ vàng, được hưởng nhiều ưu đãi trong buổi lễ trao xe, được chụp hình chung với cán bộ lãnh đạo cao cấp tới dự…
Khi tôi kể chuyện năm trước, anh chàng này tỏ vẻ tức giận, nói rằng đó là người ở các công ty môi giới, hợp đồng với Hội đi quyên góp để ăn hoa hồng; rằng tôi không nên tin họ, mà hãy làm việc trực tiếp với người của Hội, như anh.
Tôi quyết định cho toàn bộ 50 chiếc xe lăn mà không lấy một ưu đãi nào, chỉ cần Hội cấp hóa đơn tài chính và phải cấp trước khi tôi giao tiền. Mấy ngày sau, anh ta trở lại. Theo anh ta thì nhà nước có những quy định rất khắt khe, nên Hội không thể xuất hóa đơn, phải nhờ các công ty bên ngoài.
Tôi đề nghị anh cho biết muốn mua loại xe nào, của nhà sản xuất nào, cụ thể mã số gì. Chúng tôi sẽ mua đúng thứ đó và tặng đủ 50 cái. Tôi còn mang ra khoe với anh mấy loại xe lăn và giá của từng chiếc mà chúng tôi đã mua. Anh ta đi mà không trở lại. Thì ra cái anh ấy cần không phải là xe.
Đó là một trong những bài học đầu tiên của tôi. Tôi gọi là bài học về lòng nhân ái. Thì ra, có những người chuyên môi giới lòng nhân ái. Họ sống bằng cách cấu véo lòng nhân ái, dựa dẫm vào những mảnh đời bất hạnh.
Thỉnh thoảng, chúng ta lại đọc được những mẩu tin, rằng một con bò, con cừu, hoặc một đàn gà, được dùng để cứu trợ cho những hộ nghèo, đi “lạc” vào nhà một quan chức nào đó. Những quan chức đó thường xuyên rao giảng về lòng nhân ái. Nhưng khi có cơ hội, họ cũng sẵn sàng cắt xẻo lòng nhân ái. Lòng nhân ái cứ thế mà teo tóp dần.
Khi niềm tin vào các hội bị tổn thương, người ta chuyển hướng tin vào các cơ quan truyền thông, nơi luôn cho họ thấy được sự thật. Một thời, bộ phận công tác xã hội của một số tờ báo trở thành điểm tìm đến của người dân khi có sự cố cần cứu trợ.
Sau đó, sự tin tưởng của người dân lại tiếp tục chuyển sang một vài nhân vật của mạng xã hội, là những người dũng cảm hơn, minh bạch hơn, đáng tin cậy hơn dưới mắt họ.
Khi có niềm tin thì lòng nhân ái lại trỗi dậy. Hiện tượng Phan Anh quyên góp cứu trợ đồng bào bị lũ lụt với con số đã lên đến hàng chục tỷ đồng là một minh chứng. Cho dù lòng nhân ái có bị xà xẻo, nó vẫn sống, rất mãnh liệt. Những “soái ca” của mạng xã hội đã tạo cơ hội cho lòng nhân ái thể hiện sức sống. Xã hội trở nên tốt đẹp khi lòng nhân ái có được môi trường để phát triển.
Thế nhưng, có vẻ như nhiều nhà quản lý chưa hiểu được điều đó: Dự thảo Luật về Hội sẽ trình Quốc hội kỳ này, được các chuyên gia cho là có rất nhiều rào cản với các hội tự lập.
Nếu vẫn chỉ quản lý "môi trường của lòng nhân ái" theo cách quan liêu, thì có lẽ sẽ có nhiều người như tôi, mất dần niềm tin vào các đoàn thể "có pháp nhân" mà muốn tin hơn vào những gương mặt như Phan Anh.
Võ Xuân Sơn