Đầu tháng 7, Phương Trang (44 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị xuất huyết âm đạo bất thường, tình trạng kéo dài nhiều tháng, chị đến bệnh viện lớn tại TP HCM khám bệnh. Bác sĩ làm sinh thiết, kết luận Trang bị ung thư cổ tử cung.
Tháng 10/2022, chị tiếp tục đến FV kiểm tra, mong sớm chữa khỏi. Bác sĩ Basma M’Barek - Trưởng Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng - nói chị bị ung thư Figo 2B (giai đoạn giữa).
Theo bác sĩ Basma, thông thường, ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể thực hiện phẫu thuật, tuy nhiên ở giai đoạn giữa, tế bào ung thư đã xâm lấn một phần âm đạo, hướng điều trị tối ưu nhất là hóa - xạ trị kết hợp.
Bác sĩ Basma M’Barek lên phác đồ hóa trị kết hợp xạ trị ngoài cho Trang trong 5 tuần, gồm 5 lần hóa trị và 25 tia xạ trị ngoài nhằm tiêu diệt tế bào ở thân tử cung, âm đạo lẫn vùng hạch xung quanh. Máy kỹ thuật số Elekta Infinity cùng công nghệ VMAT cho phép đưa tia xạ chính xác vào khối u, hạn chế tổn hại mô lành xung quanh.
Sau 5 tuần, bệnh nhân đáp ứng hóa xạ trị tới 80%. Lúc này, bác sĩ tiếp tục áp dụng kỹ thuật xạ trị áp sát (còn gọi là xạ trị trong - Brachytherapy) nhằm tiêu diệt khối u.
"Xạ trị áp sát sẽ tiếp cận sát khối u và tiêu diệt tế bào ung thư nhanh nhất. Theo đó, một dụng cụ được đặt bên trong cơ thể người bệnh đưa nguồn phóng xạ đến trực tiếp khu vực có khối u. Nhờ đó, tia xạ không phải đi qua cơ quan lành trong cơ thể, giảm thiểu tác dụng phụ, đồng thời có thể đưa lượng xạ cao tập trung vào khối u, rút ngắn thời gian điều trị", bác sĩ Basma lý giải.
Xạ trị áp sát còn giúp Phương Trang bảo tồn tử cung lẫn các cơ quan đang chịu ảnh hưởng của khối u. "Các xét nghiệm sau đó cho thấy khối u đã được tiêu diệt hoàn toàn", bác sĩ nói thêm.
Bệnh viện FV đang triển khai xạ trị áp sát trong điều trị ung thư phụ khoa. Một năm qua, hơn 10 trường hợp ung thư cổ tử cung ứng dụng giải pháp này, hầu hết cho kết quả tốt.
Ngoài ưu điểm tác động trực tiếp, chính xác lên khối u, xạ trị áp sát còn giảm nguy cơ tái phát, rút ngắn thời gian chữa trị. Bác sĩ Basma M’Barek lý giải người ung thư vú có thể mất 3-5 tuần nếu xạ trị ngoài, nhưng chỉ tốn 5 ngày nếu xạ trị áp sát giai đoạn sớm và ngay sau phẫu thuật. Tại TP HCM, có hai bệnh viện ứng dụng giải pháp này.
Thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Huỳnh Hà Thu - Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV - cho biết thiết bị phát phóng xạ trong xạ trị áp sát có thời gian bán rã liên tục, ngay cả khi không ứng dụng trên bệnh nhân. Do đó nếu không thường xuyên hoạt động, máy sẽ tạo áp lực kinh tế.
"Chúng tôi trang bị kỹ thuật xạ trị áp sát vì muốn tập hợp đủ 'vũ khí' chống ung thư, giúp người bệnh tiếp cận phác đồ tốt nhất", bác sĩ Basma M’Barek bổ sung.
Thay vì ứng dụng phác đồ chung, bác sĩ sẽ lập kế hoạch xạ trị dựa trên chỉ số từng bệnh nhân như: kích thước cơ quan, tiền sử bệnh... Thậm chí, sẽ thực hiện lại vào mỗi lần xạ trị theo đúng tình trạng bệnh hôm đó. Mục đích là tối ưu hiệu quả liều xạ, nhắm trúng tế bào ung thư, tiêu diệt chúng mà không gây hại các mô lành xung quanh.
"Chúng tôi còn tính toán làm sao tối ưu lịch trình đi lại, chi phí cho bệnh nhân", bác sĩ Basma M’Barek nói thêm.
Liên hệ số (028) 54 11 33 33 để được tư vấn chi tiết về điều trị ung thư.
Yến Lê