Căng thẳng leo thang ở Jerusalem sau khi hai vụ xả súng diễn ra liên tiếp ở khu vực này. Vụ xả súng đầu tiên xảy ra đêm 27/1, khi một nghi phạm 21 tuổi người Palestine nã đạn vào nhà nguyện Do Thái ở khu định cư Neve Yaakov của Jerusalem, khiến ít nhất 7 người chết và ba người bị thương.
Vụ tấn công xảy ra lúc buổi cầu nguyện đêm đang diễn ra và trùng với ngày tưởng nhớ các nạn nhân của Nạn Diệt chủng Do Thái trong Thế chiến II. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào người Israel trong những năm gần đây, có nguy cơ thổi bùng xung đột giữa nước này với Palestin.
Nghi phạm tiếp tục nổ súng vào người đi đường trong quá trình tẩu thoát, trước khi bị lực lượng an ninh Israel bắn hạ.
Lực lượng an ninh Israel đã bắt ít nhất 42 người với cáo buộc liên quan vụ xả súng. Thủ tướng Benjamin Neytayahu đã kêu gọi người Israel không "tự đòi công lý" bằng các hành động cực đoan nhắm vào người Arab.
Vài tiếng sau, một thiếu niên 13 tuổi người Palestine tiếp tục nổ súng ở khu Silwan, ngay bên ngoài khu vực Israel kiểm soát ở Đông Jerusalem, khiến hai người bị thương.
Các vụ xả súng xảy ra giữa giai đoạn căng thẳng Palestine - Israel leo thang nghiêm trọng vì quân đội Israel mở chiến dịch truy quét "phần tử khủng bố" ở Bờ Tây và không kích đáp trả dân quân Palestine ở Dải Gaza.
Một ngày trước vụ xả súng Neve Yaakov, quân đội Israel mở cuộc truy quét ở trại tị nạn Jenin trong khu vực Bờ Tây khiến 9 người thiệt mạng. Giới quan sát mô tả đây là một trong những chiến dịch "chống khủng bố" gây thương vong dân thường lớn nhất tại khu vực kể từ làn sóng Intifada, phong trào của người Palestin chống lại lực lượng Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong những năm 2000-2005.
Kobi Shabtai, lãnh đạo cảnh sát Israel, gọi vụ xả súng trong nhà nguyện Jerusalem là "một trong những vụ tấn công kinh hoàng nhất mà Israel từng chứng kiến trong vài năm gần đây".
Lãnh đạo một số quốc gia Arab có quan hệ ngoại giao với Israel, trong đó có Ai Cập, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã lên án vụ xả súng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông rất bàng hoàng về các vụ tấn công ở Jerusalem và khẳng định Đức sẽ sát cánh với Israel.
Trong khi đó, một số lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lo ngại xung đột Israel - Palestine có thể bùng phát trở lại vì làn sóng bạo lực hiện nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên kiềm chế và đảm bảo "bằng mọi giá phải ngăn vòng xoáy bạo lực vượt khỏi tầm kiểm soát". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến công du đến khu vực vào tuần tới sẽ thảo luận với các bên để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.
Arab Saudi cảnh báo căng thẳng Palestine - Israel bên bờ vực leo thang bạo lực nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Israel và các lực lượng Palestine "kiềm chế tối đa", tránh đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa. Moskva đồng thời nhận định các bên cần nhanh chóng khởi động lại đối thoại Palestine - Israel, phản đối mọi hành động đơn phương.
Jesep Borrell, nhà ngoại giao cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi chính phủ Israel kiềm chế tối đa trong sử dụng vũ lực với người Palestine.
Ông nói EU mạnh mẽ lên án các vụ xả súng tại Jerusalem, xem đây là "hành động bạo lực và thù địch điên rồ", song lưu ý lực lượng Israel đang lạm dụng vũ lực khi các chiến dịch truy quét của họ trong tháng đầu năm nay đã khiến ít nhất 30 người Palestine thiệt mạng. Tính từ năm 2022, các chiến dịch của Israel ở Bờ Tây đã khiến hơn 150 người thiệt mạng, trong đó có 30 trẻ em.
"EU ghi nhận những lo ngại an ninh chính đáng của Israel, nhưng cũng nhấn mạnh rằng vũ lực gây sát thương phải được coi là giải pháp cuối cùng, tránh tối đa lựa chọn này nhằm bảo vệ mạng sống", ông nói.
Thanh Danh (Theo AFP, Reuters, Washington Post)