Khi xem bộ phim kinh dị The Exorcist năm 1973, một trong những tác phẩm kinh điển nhất của dòng phim này, Sana Shawkath Khan, khi ấy mới 10 tuổi đã cảm thấy khiếp sợ. Trong phim, nhân vật chính là một cô bé 12 tuổi bị quỷ ám, khiến các linh mục phải thực hiện các nghi thức trừ tà cổ xưa.
Dù không thể ngủ cả đêm sau khi xem phim, The Exorcist vẫn khơi dậy niềm yêu thích phim kinh dị của Khan.
"Tôi nhớ mình đã sốc nặng. Phim có nhiều cảnh gây giật mình, nhưng tôi không muốn nhắm mắt hay nhìn đi chỗ khác vì muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo", cô kể lại.
Đến nay, ở tuổi 31, Khan vẫn không ngừng xem phim kinh dị. Cô yêu thích bầu không khí căng thẳng, âm nhạc và hiệu ứng ghê rợn, cường điệu hơn đời thực, những tiếng la hét và tiếng cửa đóng sầm. Khan tận hưởng cảm giác sợ hãi và sự thoải mái khi biết rằng nỗi sợ sẽ qua đi sau bộ phim.
Cô chỉ là một trong rất nhiều người trên thế giới có sở thích trên. Mọi người tìm đến các tác phẩm kinh dị để có được cảm giác mạnh và sự phiêu lưu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy lợi ích sức khỏe tinh thần khi thưởng thức dòng phim này. Thực tế, phim kinh dị giúp xả stress, kiểm soát nỗi sợ hãi trong đời thực. Nó làm giảm tác động của các yếu tố gây căng thẳng đời thật thông qua việc tiếp xúc với nỗi sợ hãi trong môi trường giả tưởng, được kiểm soát.
Theo Melanie Bryan, nhà tâm lý học lâm sàng ở Hong Kong, phim kinh dị cho phép giải phóng căng thẳng và mọi loại cảm xúc trong một không gian an toàn. Hiệu ứng này tương tự với việc đi xem một buổi hòa nhạc.
Bà giải thích phản ứng của con người trước nỗi sợ hãi ban đầu là về mặt thể chất. Nỗi sợ bắt nguồn từ trải nghiệm tương tự trong quá khứ hoặc mang tính bản năng (như sợ nhện, sợ bay, sợ rắn).
Các hormone gây căng thẳng như adrenaline tràn ngập cơ thể, khiến nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh. Khi phản ứng vật lý bắt đầu, cơ thể sẽ mất một thời gian chuyển hóa adrenaline, cho phép con người bình tĩnh lại.
Trong một tình huống thực sự nguy hiểm, lượng adrenaline dâng cao đẩy con người vào một trong ba trạng thái: chiến đấu, bỏ chạy hoặc đông cứng. Con người không thoát khỏi trạng thái này cho đến khi cảm giác an toàn quay trở lại, tiến sĩ Bryan cho biết.
Khi xem phim kinh dị, mọi người cảm nhận được sự thoải mái, an toàn khi nút thắt của bộ phim được tháo gỡ, chẳng hạn cái ác bị đánh bại. Lúc này, não bộ giải phóng endorphin, loại hormone giảm căng thẳng, giúp tâm trí thư giãn.
Điều này tác động tích cực đến những người mắc hội chứng lo âu. Thông thường, họ nhận thấy mối đe dọa trong các tình huống hàng ngày, nên hay cảm thấy bất an. Những mối nguy hiểm này không có thật và không thể được giải quyết, vì vậy họ hiếm khi trải nghiệm sự nhẹ nhõm hoàn toàn. Cảm giác thoải mái sau khi xem bộ phim kinh dị sẽ giúp họ giảm bớt căng thẳng.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những người thường xuyên trải nghiệm nỗi sợ hãi ở dạng hư cấu (chẳng hạn xem phim kinh dị hoặc chơi game kinh dị) có khả năng phục hồi tâm lý và thích nghi tốt hơn trong đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, trong thời điểm căng thẳng của đại dịch, rất nhiều người tìm đến phim kinh dị như cách giải tỏa về tinh thần. Dữ liệu từ ứng dụng Movies Anywhere cho thấy doanh thu phim kinh dị trong tháng 5/2020 đã tăng 194% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù có những lợi ích rõ ràng, Bryan nhận định phim kinh dị không phù hợp với những người có trí tưởng tượng cao. Họ có thể hồi tưởng lại các cảnh rùng rợn và cảm thấy lo lắng hơn. Cô cũng cảnh báo người đang có cuộc sống căng thẳng nói chung, người dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, cần tránh xem phim hoặc chơi game kinh dị.
Thục Linh - Lập Nguyễn (Theo SCMP)