Văn Miếu Quốc Tử Giám là một điểm đến đầu xuân cho những ước vọng công danh sự nghiệp khoa bảng.
Mọi người đến đây để được gửi gắm ước vọng của mình trong làn khói hương, trong sự chiêm nghiệm về đạo học xưa và nay và đến để có những giây phút thanh thản trải mình trong không gian của sự học, của nét đẹp văn hóa của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Nhưng những ngày đầu xuân Quý Tỵ, đến với Văn Miếu năm nay không khỏi thấy cau mặt chau mày bởi lẽ đã mất hẳn đi những giá trị cần thiết để thưởng thức một nét văn hóa đẹp đầu xuân.
Văn Miếu thành nơi thưởng thức xúc xích nướng và kem |
Không ngoa nếu tưởng tượng hình ảnh trên đây là ở một bến tàu bến xe nào đó, nơi có những hành khách lỡ tàu hoặc đợi tàu mệt mỏi ngồi la liệt và khi đói bụng họ ăn dăm chiếc xúc xích cầm hơi.
Có lẽ những nhà quản lý khu di tích nhận thấy cần phải phục vụ du khách theo đúng tâm lý chiều khách hàng nên đã để những hàng quán phục vụ mọc lên ngay trong lòng di tích với cách phục vụ mà không tại một di tích quốc gia nào trên thế giới làm.
Khách hàng đi thăm quan, đói khách hàng cần ăn chút gì đó. Vậy thì xúc xích nướng là phù hợp nhất.
Từ cổng ngoài Văn Miếu cho đến trong sân Bái đường, không dưới bốn quầy xúc xích nướng mini với đủ hình thức, mùi vị với những bát tương ớt, lọ tương ớt tưới lên xúc xích gây ra một hình ảnh nhộm nhoạm.
Chưa kể, dường như, những người phục vụ khách hàng ở đây hiểu rất rõ thời tiết mấy ngày xuân, kem được mang về phục vụ tận nơi tận chốn, ngay sát bên Nhà Thái Học.
Kết quả là, những hình ảnh mà chúng ta không khó bắt gặp ở Văn Miếu đây trở thành một nỗi hổ thẹn với những người yêu Văn Miếu. Khắp nơi là rác, rác xả trắng sân khiến không một đội làm vệ sinh nào có thể quét cho kịp.
Vỏ kem, que xúc xích nước vung vãi khắp chốn. |
Không hiểu tại sao, một di tích là nơi để thưởng thức vẻ đẹp văn hóa kết tinh gần nghìn năm của đất nước lại trở thành một nơi thưởng thức những thức quà ăn nhanh mà chỉ bước chân dăm bước ra phố là bạn có thể mua được và ăn bất cứ lúc nào.
Không hiểu các nhà quản lý khu di tích có lường trước được hậu quả của tình trạng này không? Những món quà cho trẻ cũng được bày bán trong Văn Miếu một cách vô tội vạ như tại một bến xe hoặc nơi vui chơi công cộng.
Vì ý thức kém của người dân nên Văn Miếu giờ trở thành một nàng công chúa bị che mạng. Mà dẫu vậy nàng công chúa này vẫn chẳng yên thân. Cách đây năm sáu năm, việc chăng dây bảo vệ rùa đá là điều không tưởng, mọi người đều được tự do ngắm những bia tiến sĩ trên mai rùa.
Giờ thì đâu đâu cũng là dây đỏ chăng để cấm bước vào, xoa đầu rùa. Sự bảo vệ mỏng manh một cách bất lực và bế tắc này cũng không mấy tác dụng khi các bạn trẻ nhí nhảnh, “xì-tin” chỉ thích có tấm hình để khoe cho thỏa mãn cái tôi, khi chính các bậc cha mẹ lại là những người khuyến khích con em mình vi phạm nhiều nhất.
Để con có một bức hình lưu kỷ niệm đẹp của mùa xuân đi Văn Miếu, để con học giỏi đỗ đạt v...v, những câu như “con cứ vào mà sờ đầu rùa”, con vào xoa quả chuông v...v chẳng khó gặp. Những đứa trẻ hồn nhiên nghe theo cha mẹ, làm dáng để chụp ảnh ngay cạnh những hàng chữ: “cấm giẫm lên cỏ”; “cấm xoa đầu rùa” và xả rác.
Không ít thiếu nữ áo dài thướt tha đứng quay lưng vào gian thờ chính để có góc bấm đẹp. Từng hàng dài người xếp nhau xin chữ đầu năm để lấy may, chẳng biết bao nhiêu trong số đó hiểu được, mình đang xin chữ gì.
Chỉ biết chắc một điều, không ít người trong số đó, đọc được hay không đọc được cũng cố tình phớt lờ những dòng chữ Quốc ngữ to tướng trên các biển cấm luôn đập vào mắt mọi người để nhắc nhở.
Văn Miếu với những bãi cỏ trụi đi vì người ta nhảy vào chụp ảnh cạnh cành đào, cạnh chữ “tài” chữ “trí”. Để cầu mong con mình học giỏi thành tài, không ít người chẳng tiếc tiền lẻ thả cả xuống hai hồ ở Đại Trung Môn trắng xóa mặt hồ rồi cho rùa đá ngậm tiền.
Mọi người chen chân nhau để được chụp ảnh dưới hai bảng lớn kết bằng hoa: Tiên học lễ, hậu học văn” không biết để làm gì khi văn hóa tối thiểu để bước chân vào một không gian văn hóa như Văn Miếu ta không đạt được? Chúng ta đến để cầu mong điều gì?
Một hành vi văn hóa tối thiểu và biết tôn trọng những gì thuộc về Văn Miếu như việc xé vé cho khách du lịch cũng là điều phải bàn.
Tôi vật nài xin cô xé vé cho giữ nguyên chiếc vé mặc dù đã có phần cuống vé để dành cho người soát vé nhưng lời xin của tôi dường như không có ý nghĩa gì. “Soạt”, đôi tấm vé của tôi rách tan thành 2 mảnh.
Trước Văn Miếu môn, chỗ những người soát vé đầy xác vé tan tành như vậy. Nếu tôi không nhầm thì chỉ có khách nước ngoài mới được giữ lại nguyên cả tấm vé. Tại sao vậy? Nếu chúng ta nỗ lực để chụp một Khuê Văn Các đẹp trên tấm vé để rồi xé tan nó đi, vất nó lại trên mặt đất để mọi người qua lại giẫm chân lên, thử hỏi nó khác gì một tấm vé gửi xe?
Một tấm vé của một di tích phải trở thành một vật lưu giữ kỷ niệm đẹp của những người đến với nó. Và nếu nó chỉ để xé tan tành như vậy thì sinh ra cái cuống vé để làm gì?. Người đi vào di tích sẽ không thể thấy trân trọng nó nếu những người quản lý di tích không truyền cho họ sự tôn trọng cần thiết như vậy.
Chúng ta đang ứng xử với di tích, một tài sản văn hóa của mình một cách tầm thường, chúng ta đang tự làm ô nhiễm những giá trị tinh thần đã lưu giữ cả nghìn năm bằng những suy nghĩ ngắn hạn và thiếu trách nhiệm.
Đành rằng chúng ta khó để thực thi được những biện pháp mạnh như nhiều nước đã làm: vĩnh viễn cấm đến bảo tàng, di tích hay thậm chí là mang ra tòa xét xử tội hình sự, song việc tạo dựng không gian văn hóa, nỗ lực xây dựng nhưng môi trường lành mạnh là không quá khó để thực hiện.
Nếu những nhà quản lý khu di tích có tầm nhìn rộng hơn và hành động quyết liệt hơn để phát triển Văn Miếu cho xứng tầm thì có lẽ, những người đến thăm Văn Miếu không chỉ đến để thả tiền xin việc học hành đỗ đạt, để chụp ảnh tạo dáng, để thưởng thức những món ăn tầm thường.
Họ sẽ được thưởng thức những món ăn tinh thần đầy giá trị, ý nghĩa để sống tốt hơn, học được nhiều hơn, không hổ với những gì tiền nhân đã dày công xây dựng vun đắp và kỳ vọng.
>> Xem tiếp hình ảnh thiếu văn hóa tại Văn Miếu ngày đầu xuân
Tuấn Minh
Chia sẻ hình ảnh đời sống xã hội của bạn tại đây.