UBND xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vừa lên kế hoạch tổ chức lễ hội đâm trâu vào tháng 11/2018. Để có kinh phí tổ chức, xã yêu cầu mỗi hộ dân trên địa bàn đóng góp 300.000 đồng, việc này khiến nhiều nhiều người bức xúc.
Bà Lê Thị Mười (trú xã Hồng Tiến) cho hay, với người dân suốt ngày nương rẫy như bà thì 300.000 đồng là một số tiền lớn. "Nghèo biết lấy đâu ra tiền đóng? Mà không đóng thì khi có giấy tờ cần xã chứng thực đều bị trả về với lí do chưa nộp tiền lễ hội đâm trâu", bà Mười lo lắng.
Bà Hoàng Thị Duyên (trú thôn 1, xã Hồng Tiến) thì cho rằng, lễ hội đâm trâu "nhìn rất ghê" nên bà không muốn xem, không muốn xã tổ chức.
Trước thắc mắc của người dân, ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến lý giải, lễ hội đâm trâu là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Pa-Hy tại địa phương và sẽ được tổ chức vào ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 sắp tới. "Lễ hội này từng được tổ chức cách đây 10 năm và lúc đó các vị lãnh đạo, già làng đã hứa là 10 năm sau sẽ tổ chức lại. Chúng tôi chỉ kế thừa thôi", ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, toàn xã Hồng Tiến có 347 hộ dân, trong đó 46 hộ nghèo. "Các hộ nghèo nộp thì tốt, không nộp cũng không sao", ông cho hay và nhấn mạnh, 301 hộ còn lại đều phải nộp với tổng thu hơn 90 triệu đồng. Số tiền đó sẽ được xã dùng để thuê rạp, mời lãnh đạo, tổ chức tiệc... trong lễ hội.
"Chúng tôi sẽ có thu chi rõ ràng và đã bàn với đại diện 5 thôn trong xã trước khi thu" ông Hòa khẳng định.
Ông Cao Chí Hải, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao Thừa Thiên Huế nói, "Sở không hề hay biết xã Hồng Tiến có kế hoạch về lễ hội đâm trâu".
Theo ông Hải, việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực là trái với chủ trương của ngành văn hóa. Trước đây Thừa Thiên Huế tồn tại tập tục này ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Sau nhiều nỗ lực vận động của các ban ngành, các huyện trên đã không tiếp tục tổ chức lễ hội đâm trâu.
"Thu tiền của người dân để tổ chức lễ hội như vậy thì càng sai. Tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay" ông Hải nói.
Võ Thạnh