Mỗi buổi sáng, bà con ở dọc 2 bên đường từ xã Phú Qúy đến Nhị Qúy (Cai Lậy, Tiền Giang) thường nghe tiếng rao "Cua, ốc rau bập bợ đây…" và sau tiếng rao ấy xuất hiện một phụ nữ dắt theo sau cậu bé trai. Cả hai đều khệ nệ xách những cái giỏ mà trong đó có mớ rau dại, mớ ốc đắng hay những con cua đồng đem bán...
Cuộc mua bán cũng diễn ra thật lạ. Người mua chỉ việc kêu họ lại và tự lựa chọn món hàng mà mình muốn. Và cho dù mớ hàng đó có nhiều hay ít, khi hỏi giá để trả tiền thì bao giờ người phụ nữ ấy cũng chỉ nói giá có 2.000 đồng. Nhưng số tiền mà những người mua trả cho họ bao giờ cũng cao hơn nhiều lần. Nhận được tiền, người phụ nữ ấy liền quay sang đưa hết cho cậu bé. Cậu bé vuốt thẳng những đồng tiền lẻ ấy rồi lẩm nhẩm đếm và sau đó nhảy lên vui mừng. Đó chính là hai mẹ con chị Hằng.
Người dân ở ấp Phú Hưng, xã Phú Qúy, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) gọi chị là Hằng "khùng" để phân biệt với những người tên Hằng khác. Hình ảnh một người mẹ dắt theo đứa con, vừa đi vừa lảm nhảm những câu nói vô nghĩa và đôi khi chị bật lên những tràng cười khanh khách đã trở nên quen thuộc với mọi người. Lúc trước đi đâu người ta cũng thấy chị dắt theo bé trai đen đúa, đầu tóc vàng cháy, từ hái rau, mò cua, bắt ốc cho đến khi mang ra chợ bán. Nhưng từ khi thằng bé đủ tuổi đến trường thì người ta thấy Hằng "khùng" sáng chiều cứ luẩn quẩn ở trường đưa rước con đi học. Người dân thấy vậy nên đã chuyển từ sợ, xa lánh sang thông cảm và thương hai mẹ con nhiều hơn.
Chị Hằng "khùng" tên đầy đủ là Phạm Thị Kim Hằng (SN1975) có vấn đề thần kinh từ nhỏ. Đến năm 30 tuổi bị kẻ xấu xâm hại nên sinh ra bé Phạm Minh Thương. Căn nhà của họ được dựng nên trên phần đất nằm trong diện sắp giải tỏa của xã. Gọi là nhà nhưng thực ra đó là một căn chòi được xây tạm bợ nằm sát bờ sông. Vách chòi là những mảnh bao ni-lông đã mục nát vá víu lại. Nóc chòi là những tấm tôn cũ ghép lại, ngước lên có thể nhìn thấy cả sao trời.
Để nuôi bé Minh Thương ăn học, sáng sớm chị Hằng đã đi hái rau thật sớm, rồi mang ra chợ bán. Khi rau má, khi rau tập tàng đủ thứ loại có thể ăn được. Có khi ít rau, chị men theo những bờ ruộng mò ốc, bắt cua để bán. Có lúc gười ta thấy chị ở chợ Tân Hội, lúc chợ Hữu Đạo, khi chợ Nhị Qúy, Phú Qúy. Phương tiện di chuyển duy nhất của hai mẹ con chính là đôi chân. Hàng ngày chị cuốc bộ hơn chục cây số từ nhà đến các chợ để mang rau đi bán. Mặc dù tinh thần không bình thường, nhưng hễ ai nhắc đến chuyện cho con nghỉ học là chị tỏ vẻ bực tức và quát lại: "Không đời nào". Ngược lại ai có hỏi cho con học để làm gì thì mặt chị sáng lên, ngượng ngùng đáp lại "Cho nó học hoài luôn..."
Lúc chưa có bé Thương, bệnh của chị Hằng nặng lắm, cứ la hét, lảm nhảm suốt. Cả ngày cứ lơn tơn ngoài đường. Nhà nghèo, phải lo chạy chợ để lo mua gạo cho cả bầy con, nên mẹ của Hằng đâu đi theo giữ hoài được. Rồi thì Hằng bị kẻ xấu cưỡng dâm, có thai. Nhưng chị Hằng đâu có biết gì đâu, đến khi cái bụng to ra, đem đi khám thì thằng bé trong bụng đã hơn 6 tháng rồi. Đến khi sinh thằng bé xong, có người đến xin về nuôi. Nhưng chị Hằng biết, khóc bảo để con cho chị nuôi. Có lúc nghe mọi người chọc bảo sẽ bắt con nó. Chị Hằng liền đem con giấu ở bãi rác của chợ. Đến trưa thì mang nước cơm ra cho con uống. May mà bà con phát hiện bồng thằng nhỏ về giùm.
Thương tình hai mẹ con, bà con hàng xóm người cho áo, người cho gạo, hộp sữa rồi cất một cái chòi cho hai mẹ con ở. Có điều lạ là từ khi có con thì chị Hằng dường như tỉnh táo hơn trước, biết tự nấu cơm, nấu cháo đút cho con. Con bị bệnh biết bồng sang hàng xóm nhờ người đưa đi ra trạm y tế khám. Có lẽ tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến cho chị tỉnh trí hơn. Lúc bé Thương còn nhỏ, một tay bồng con, một tay xách giỏ rau đi bán. Thằng bé lớn hơn thì dắt đi. Mẹ con đùm túm nhau vậy mà cũng sống và cho con đi học. Bé Thương nay cũng đã học lớp 2 rồi.
Sáng nay đi bán, chị Hằng khoe với mọi người những sách vở, đồng phục mà chị đã chuẩn bị cho con đi học. Chỉ cho chúng tôi thấy hai quyển sách giáo khoa và tiếng Việt lớp 3, vài quyển tập được quấn kỹ trong tấm ni-lông 3-4 lớp vì sợ mưa ướt. Chị bảo "Mua cho thằng con đi học mà chưa đủ, mai mốt bắt cua bán để dành tiền thêm". Hỏi chị sao biết sách này mà mua cho con. Chị bảo "Nói mua sách lớp 3 thì người ta bán". Chị còn kéo ra một gói nhỏ được chèn giấu kín trong dưới tấm lá, mở ra trong đó khoảng vài chục nghìn đồng và khoe với chúng tôi đây là tiền để dành cho thằng con mai mốt đi học.
Ánh mắt chị lấp lánh niềm vui khi kéo trong túi áo ra một tờ giấy trong đó có một dòng chữ ghi Phạm Thị Kim Hằng và hãnh diện khoe "Đây là tên của tôi do con tôi viết đấy, mai mốt nó học thành tài, nó sẽ bớt khổ hơn tui…"
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Nguyễn Mỹ Phương