19h ngày 30/9, tâm bão Wutip ở trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và nước Lào, sức gió mạnh nhất 102 km một giờ (cấp 10). Vượt qua biên giới Việt - Lào, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó di chuyển về phía Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp giảm xuống dưới 39 km một giờ (cấp 6).
"Gió rất mạnh, mưa rất lớn, nhà cửa tốc mái, cây cối đổ nhiều. Thiệt hại bão gây ra sẽ rất lớn", Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định ban đầu sau cơn càn quét các tỉnh miền Trung của siêu bão Wutip
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, cơn bão mạnh trong nhiều năm đã tàn phá hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một phần của Hà Tĩnh. Ông đề nghị, khi gió giảm, các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá tình hình, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ để đảm bảo đủ lương thực, nước uống, nơi trú ẩn an toàn.
Bộ trưởng cho hay, đêm nay sẽ tiếp tục có mưa lớn ở nhiều tỉnh. Vì vậy các tỉnh phải đề phòng, hướng dẫn nhân dân sơ tán khỏi những nơi nguy hiểm; bố trí người canh gác các hồ chứa để xử lý kịp thời, tránh để sự cố vỡ hồ chứa; bố trí người canh gác tại các ngầm, bến đò ngang... cảnh báo người qua lại. Các lực lượng chức năng phải gấp rút kiểm tra và khôi phục các hệ thống cung cấp điện, nước, liên lạc và giao thông.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, bão Wutip đã làm 2 người chết, 26 người bị thương, hơn 5.400 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây cối, cột điện đổ, gẫy. Cột phát sóng cao hơn 100 mét của Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cũng bị quật đổ.
Đến 19h ngày 30/9, lượng mưa đo được tại Quảng Bình phổ biến ở mức 100-200 mm, có nơi lớn hơn như Mai Hóa 222 mm, Ba Đồn 249 mm, Đồng Hới 328 mm. Lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên. Dự báo, sáng mai lũ trên các sông ở tỉnh này có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2.
Sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, 19h ngày 30/9, tâm bão Wutip ở trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và nước Lào, sức gió mạnh nhất 102 km một giờ (cấp 10). Vượt qua biên giới Việt - Lào, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó di chuyển về phía Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp giảm xuống dưới 39 km một giờ (cấp 6).
Cơn bão được cho là mạnh nhất trong vòng 7 năm qua tràn vào các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Huế từ chiều 30/9. Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, có mặt tại Đồng Hới, Quảng Bình, cho biết, tại tâm bão Đồng Hới, sức gió mạnh cấp 11-12, kèm theo mưa to. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với đại diện các ban ngành nhằm đánh giá tác động của cơn bão và bàn biện pháp khắc phục ngay tại Đồng Hới.
Gió mạnh đã khiến trụ sở UBND xã Như Thủy Bắc vỡ toàn bộ cửa kính. Một học sinh 15 tuổi ở xã Quảng Minh (huyện Quảng Trạch) bị ngã khi chuyển một khối đá nặng hơn 10 kg lên chèn mái bếp chống bão. Em đã bị chính khối đá trên rơi vào đầu bất tỉnh, nghi chấn thương sọ não. Một thanh niên ở xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) trong lúc đang trèo chặt cành cây bị ngã gãy xương đòn trái. Cả hai được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị (Quảng Bình). Một cụ bà 71 tuổi trong lúc trèo lên tầng không may bị ngã gãy chân và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.
Tại Hà Tĩnh, ngay từ đầu giờ chiều, mưa lớn dần kèm theo gió mạnh. Đến 17h, gần như toàn thành phố Hà Tĩnh bị mất điện. Các hộ dân đóng cửa tránh bão trong nhà. Các cây xăng, cửa hàng đều không hoạt động. Tiếng gió mạnh, xen lẫn tiếng mái tôn đập phần phật khắp nơi. Một số biển quảng cáo, cây xanh bị gãy đổ.
Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của cơn bão, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các sở, ban, ngành... triển khai nhanh các biện pháp phòng chống bão.
Tại huyện miền núi A Lưới, Quốc lộ 49 đã thông xe. Đèo Phú Gia trên quốc lộ 1A có một số điểm sạt lở. Dọc theo tuyến đường huyết mạch này, cây cối và nhiều dây điện đứt ngang, nhiều biển hiệu dọc ven đường bị gió đánh hỏng.
Theo báo cáo nhanh của ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, đến trưa nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cơ bản đầy. Các hồ dung tích lớn như Sông Sào, Vực Mấu đã thực hiện phương án xả tràn sâu. Hệ thống đê điều toàn tỉnh trong mức đảm bảo an toàn.
Về tàu thuyền, Nghệ An có hơn 4.000 phương tiện với trên 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản, tất cả đã vào nơi trú ẩn an toàn. Phương tiện đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung cũng đã vào các khu vực trú bão an toàn.
Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay số hộ dân ở vùng ven biển nơi bão đổ bộ trực tiếp cần phải sơ tán là gần 3.900 hộ. Nếu bão đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị và khi lũ lớn xảy ra thì số hộ cần sơ tán là khoảng 20.500; UBND tỉnh đã khẩn trương thành lập 5 đoàn công tác về tận các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn miền Trung - Tây Nguyên sáng nay, các hồ chứa thuỷ lợi ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang vận hành bình thường, dung tích ở mức trung bình 20-70% dung tích thiết kế.
Số hồ đầy và sắp đầy tập trung tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Nhiều hồ chưa nhỏ có nguy cơ mất an toàn như 7 hồ ở Quảng Trị gồm: Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen; Huế có hồ Hòa Mỹ; Quảng Nam có hồ An Long; Quảng Ngãi có 3 hồ là Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, đập Ea Kmiên 3, huyện Krông Năng, Đăk Lăk do lượng nước về lớn hơn khả năng thoát lũ nên mực nước trong hồ dâng cao và có nguy cơ mất an toàn.
Nhóm phóng viên