Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Đừng có hy vọng những trường hợp sau sẽ gặp may như thế nữa". Ảnh: Hoàng Hà. |
“Đập đất không phải là không bền vững nhưng đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn. Rất may là không dẫn đến chết người và cũng may là xảy ra ban ngày, không phải mùa lũ, tích đầy nước. Cách làm như thế là không thể chấp nhận được”, Phó thủ tướng phát biểu bên hành lang nghị trường Quốc hội một ngày sau khi sự cố xảy ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm.
Theo ông, từ sự cố này, phải nghiêm túc xem xét xem trách nhiệm ở tất cả các khâu, từ thiết kế, thi công đến nghiệm thu, vận hành… Và không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý trách nhiệm. “Đây là may, ăn may chứ nếu không đã thành thảm họa, nếu không xử lý nghiêm thì rất nguy hiểm. Đừng có hy vọng những trường hợp sau sẽ gặp may như thế nữa mà thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Hải nhấn mạnh.
Nói về quy hoạch các hồ thủy điện, thủy lợi nói chung, Phó thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia thiếu nước, việc xây dựng các hồ vì thế vẫn phải làm. Nếu không tính trước, không đầu tư thì không đủ nước để phát triển cho tương lai. “Những vùng có thể xây dựng được hồ chứa nước thì phải tận dụng để phát triển, bảo đảm phát triển bền vững. Tuy cần thiết nhưng nếu làm như thủy điện Ia Krel 2 thì ta không cần”, Phó thủ tướng nói.
Còn Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập 2, Bộ đã cử cán bộ của Cục Giám định chất lượng Nhà nước vào tận nơi để nắm tình hình và bước đầu xác định nguyên nhân.
Theo ông Dũng, tại thời điểm vỡ đập, mực nước thấp hơn cao trình đập tràn khoảng 1,6 m. Kiểm tra hiện trường cho thấy cống dẫn dòng nằm trong thân đập có dấu hiệu bị vỡ. Bề mặt đập (khu vực không bị vỡ) xuất hiện nhiều vết nứt lớn, không có dấu hiệu nước tràn qua.
Ruột đập thuỷ điện Ia Krêl 2 chỉ toàn đất, có nhiều vết nứt nhưng chủ đầu tư khẳng định "rất chắc chắn". Ảnh: Tuỳ Phong |
Trong quá trình làm việc giữa chủ đầu tư và đại diện Sở Xây dựng, Sở Công thương, chủ đầu tư chưa trình được các hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Qua tìm hiểu, quy trình vận hành đã được ban hành theo QĐ 4058 ngày 11/8/2011 của Bộ Công thương.
“Với những công trình thủy điện, ngành công thương phải làm. Chẳng hạn, với công trình thủy điện này, thuộc loại hồ đập cấp 3 thì Sở Công thương phải làm, phải tiền kiểm, và tăng cường kiểm tra chất lượng”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết, với tình trạng đập đã vỡ thì việc khắc phục không thể một lúc. Nhưng với sự cố gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân thì phải lập tức tập trung khắc phục triệt để.
Nguyễn Hưng