Đại diện Ban tổ chức thông báo đến 21 giờ hôm nay sẽ ngừng việc đón người dân vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên khi đến thời hạn kết thúc lễ viếng, dòng người vẫn tiếp tục xếp hàng, không ai rời đi. Ở sát cổng vào nhà tang lễ quốc gia, đàn ông, đàn bà, thanh niên, trẻ em gắng bước nhanh hơn vào bên trong, muốn cho kịp với thời gian để có thể viếng Đại tướng. Ngày mai ông sẽ rời Hà Nội, nơi ông đã sống hơn 50 năm.
Ban tổ chức trước đó cho hay sẽ tìm hiểu xem đoàn khách nào đến từ các tỉnh xa, thì ưu tiên mời vào viếng trong vòng 30 phút kể từ sau thời hạn 21 giờ, không thể dài hơn. Lý dó là Ban tổ chức lễ tang và gia quyến cần thời gian chuẩn bị cho các nghi lễ của ngày mai, với các lễ truy điệu, di quan và an táng.
Trong tiết trời nóng bức dù đã dịu đôi chút so với ban ngày, các thanh niên tình nguyện lưng đầm mồ hôi, tay liên tục quạt cho dòng người đến viếng. Các bà các chị nhìn họ với ánh mắt đầy cảm mến và thán phục.
Cho đến 21h 30, số lượng người đổ về khu vực nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông không giảm so với buổi chiều và thậm chí đông hơn lúc chập tối. Trên các con phố Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Hàn Thuyên, Tăng Bạt Hổ, Trần Thánh Tông... đoàn người đi trong trật tự, rảo bước.
Chị Bùi Ánh Tuyết, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, xếp hàng chờ vào viếng từ chiều, và đến 10h đêm chị vẫn đang xếp hàng ở phố Lê Quý Đôn, cách cổng nhà tang lễ hơn 500 mét. Chị cho biết chưa hề ăn uống gì, bởi "nhất định phải vào viếng cụ".
Một cặp vợ chồng mang theo cô con gái 3 tuổi xếp hàng trên trục đường này, cho hay dù phải qua đêm, vợ chồng anh cũng sẽ chờ để vào viếng Đại tướng.
Gia đình anh Nguyễn Kim Long, nhà ở Lò Đúc, gồm 6 người đã xếp hàng từ 17 giờ. Cho đến 19 giờ 30 anh dừng chân ở ngã tư vườn hoa Yersin. Đeo băng tang, anh Long cho biết, hôm mùng 8/10, đại gia đình anh đã đến viếng Đại tướng tại tư gia. Hôm nay, gia đình sẵn sàng chuẩn bị tinh thần sẽ viếng Đại tướng đến tận nửa đêm nên đã mua sẵn mì tôm và bánh cho trẻ con ở nhà.
Anh Trần Trọng Quý, ở khu đô thị Mỹ Đình, cách nhà tang lễ khoảng 10 km, cho biết lúc tối nghe tin lễ viếng kết thúc lúc 21 giờ, anh sợ không kịp nên không đi. Nhưng sau đó biết rằng Ban tổ chức kéo dài thời gian để dân vào tiễn đưa Đại tướng, anh lại lên đường. Quý nói sẽ xếp hàng dù phải chờ bao lâu cũng được.
Đứng bên cạnh Quý, một phụ nữ luống tuổi tên Lê Quy cho hay "đây là vị tướng vĩ đại" nên bà nhất định đến viếng.
Gần 23 giờ, người dân vẫn đổ đến từ các ngả đường. Các con phố xung quanh nhà tang lễ đều cấm phương tiện giao thông và chỉ cho phép đi bộ. Những người đến viếng đều gửi xe ở phía ngoài và đi bộ vào trong với khoảng cách đến 3km. Ở phía nam nhà tang lễ, hàng người trải dài hết con phố, len lỏi vào trong ngõ nhỏ.
Với số lượng đông như vậy, nhiều khả năng sẽ có những người đã xếp hàng nhưng không được vào viếng bên trong nhà tang lễ, khiến lòng họ thêm nóng lòng. Tuy nhiên hầu hết bà con đều bước đi trật tự, không chen lấn xô đẩy. Gần cổng vào, từ hàng đôi nhân lên thành hàng 4, hàng 6.
Ngoài đội ngũ thanh niên tình nguyện đông đảo, lực lượng công an hôm nay đã huy động hơn 600 chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Họ đã lập một hàng rào giữa khu vực nhà tang lễ với số đông người đến viếng ở mạn bắc, nhằm đảm bảo lịch trình lễ viếng không bị kéo dài quá lâu.
Gần 24 giờ, dòng người gần nhà tang lễ thưa dần. Trong sân nhà tang lễ đèn vẫn sáng rực chiếu trên những người đi viếng muộn. Các thanh niên tình nguyện, xếp vào phía cuối hàng người, là những người đến đây từ sớm nhất và sẽ còn lưu lại muộn nhất.
Cuối cùng, lễ viếng khép lại với tuyên bố của ông Nguyễn Quốc Khánh, Ban tổ chức lễ tang, thưa với đồng bào chiến sĩ cả nước về kế hoạch cho các nghi lễ ngày mai.
Ngày mai, lễ truy điệu sẽ bắt đầu lúc 7h sáng. Linh cữu Đại tướng sau đó được rước qua các đường phố Hà Nội, qua ngôi nhà rợp bóng cây gần lăng Hồ Chủ tịch, rồi từ sân bay Nội Bài đến Đồng Hới. Đoàn xe nghi lễ quân sự dành cho quốc tang sẽ đưa ông đến khu vực an táng ở Vũng Chùa, Quảng Bình.
Bên trong nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội, đội tiêu binh vẫn đang đứng nghiêm cẩn canh gác linh cữu Đại tướng, trong đêm cuối cùng ông ở thủ đô.
Sau nửa đêm, vẫn còn những đoàn người mới tiến đến nhà tang lễ. Nhiều người khóc, cho biết vừa đi từ tỉnh xa tới và kiên quyết xin cảnh vệ cho vào viếng Đại tướng. Một phụ nữ tên Nguyễn Thị Nhung bật khóc rất to ngay trước cánh cổng đã đóng, trong khi những người xung quanh cũng bày tỏ ước muốn được vào tiễn đưa Người. Đội cảnh vệ, đáp lại tấm lòng chân thành của công chúng, tiếp tục mở cửa mời dòng người dài dằng dặc vào nhà tang lễ, tiễn biệt vị đại tướng của dân.
Hồng Nhung - Phương Linh