Theo người thân của giáo sư Hoàng Như Mai, ông gặp tai nạn một tháng trước.
Sinh năm 1919 tại Bắc Giang, giáo sư Hoàng Như Mai học Trường Bưởi, đại học Y khoa, đại học Luật rồi liên tiếp đảm nhiệm các chức vụ cao trong ngành giáo dục. Ông từng làm hiệu trưởng các trường tư thục Phan Thanh (Thái Bình), Sư phạm Việt Bắc, Sư phạm Trung cấp Trung ương và là cán bộ giảng dạy tại các trường đại học Tổng hợp Hà Nội và TP HCM.
Ông còn là thành viên sáng lập đại học Văn Hiến, làm hiệu trưởng trường THPT Trương Vĩnh Ký năm 1997. Từ năm 1988, giáo sư Mai làm chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP HCM cho tới khi qua đời.
![body-HNM-1250-1380332108.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2013/09/28/body-HNM-1250-1380332108.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BgDq6NGwUhwnqRhXyjSxmA)
Với những đóng góp cho ngành giáo dục, giáo sư Hoàng Như Mai được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990 và được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Không chỉ là nhà giáo, ông còn là một chuyên gia văn học Việt Nam cận hiện đại.
Trong vai trò một giáo sư, nhà nghiên cứu, ông để lại nhiều tác phẩm phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị như Văn học Việt Nam hiện đại, Nhận định về cải lương, Giới thiệu sân khấu cải lương, Thơ một thời… Bên cạnh các công trình nghiên cứu, ông còn sáng tác nhiều kịch như Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982) và tập thơ Trao cho nhau cuộc đời (1993).
Giáo sư Hoàng Như Mai dù đã tuổi cao nhưng vẫn còn tham gia công tác nghiên cứu.
Đỗ Hiền