![]() |
Các đại biểu góp ý kiến về Luật Giáo dục. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo ông Thuyết, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần xã hội mở trường nhưng không có nghĩa là bao cấp đất xây dựng trường mới. Quỹ đất tại các thành phố rất eo hẹp, nhà nước không đủ khả năng bao cấp cho đơn vị mở trưởng. "Chúng ta kêu gọi xã hội hóa, nhưng luật lại quy định Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế cho các đại học công lập. Như thế sao tránh khỏi bó buộc", đại biểu Thuyết đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều đại biểu cho rằng, chủ trương xã hội hóa thể hiện trong luật còn chung chung. Hiện nay, nhu cầu học đại học, cao đẳng rất lớn, vượt xa khả năng của các trường quốc lập. Do vậy, vấn đề mở trường, phân luồng giáo dục là biện pháp cấp bách. Thế nhưng luật mới chỉ dừng ở khẩu hiệu "khuyến khích, tạo điều kiện...", chưa có những quy định cụ thể để huy động trí lực của xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục gồm 9 chương 115 điều. So với luật hiện hành tăng thêm 5 điều mới, có 66 điều được sửa đổi, bổ sung. Dự kiến, luật sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 7. |
Những quy định chồng chéo, bất cập trong Luật sửa đổi cũng khiến nhiều đại biểu bức xúc. Đại biểu Thuyết đặt vấn đề: "Luật Giáo dục phải bao gồm cả 2 phần: giáo dục hàn lâm và dạy nghề. Hiện nay Bộ GD&ĐT đào tạo hệ cao đẳng, Bộ Thương binh Xã hội đào tạo hệ cao đẳng nghề. Tôi xin hỏi cao đẳng và cao đẳng nghề có gì khác nhau? Tại sao không để 1 bộ quản lý, tránh chồng chéo".
Đại biểu Tô Minh Giới cũng cho rằng, trong Luật sửa đổi còn có những quy định chồng chéo. Ví dụ như chương 3 về giáo dục nghề nghiệp "đọc hoài mà vẫn chưa hiểu". Theo ông Giới, việc không phải đóng học phí đối với trường sư phạm là hợp lý, nhưng phải quy định sinh viên ra trường phải có 3 năm giảng dạy theo phân công. Luật cũng nên có quy định việc xử lý nghiêm những giao viên làm sai trong thi cử.
Đại biểu Huỳnh Thị Doãn Thanh (Ninh Thuận) tỏ ý băn khoăn tại sao trong dự thảo Luật chưa đề cập đến in, xuất bản các loại sách tham khảo, sách giải bài tập. "Một số nhà xuất bản đang chạy theo doanh thu, xuất bản tràn lan các loại sách tham khảo, gây bất bình trong xã hội. Thế nhưng trong ngành giáo dục lại có một số ý kiến khen, chúng tôi đề nghị phải có quy định chấn chỉnh hiện tượng này trong luật", bà Thanh nói.
Ý tưởng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS của Ủy ban Văn hoá thanh thiếu niên nhận được nhiều sự ủng hộ của các đại biểu. Theo bà Trần Thị Minh Hoà, kết thúc bậc THCS học sinh phải thi tốt nghiệp và thi đầu vào PTTH. Như vậy quá căng thẳng và không cần thiết. Vì vậy, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Các trường căn cứ vào kết quả học tập làm chứng chỉ tốt nghiệp cho các em. Tránh tình trạng cứ đến cuối năm học thì "nhà nhà đi thi, người người đi thi".
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Việt Anh