Bình Ba là một trong hai đảo thuộc xã Cam Bình. Hòn đảo nằm ở vịnh Cam Ranh có gần 1.000 hộ với 4.000 người. Hơn 90% hộ sống bằng nghề đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thuỷ hải sản. Tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo đã diễn ra từ lâu nhưng gần đây càng trầm trọng hơn do nắng hạn, nhu cầu người dân tăng. Hiện, nguồn nước trên đảo phần lớn là giếng khoan, nhưng bị phèn lớ, mặn chát nên chỉ dùng để tắm, giặt. Còn nước dùng nấu ăn phải mua từ đất liền.
Bà Võ Thị Xuân Làm, ở thôn Bình An, cho biết để tiết kiệm nước ngọt gia đình bà phải dùng nước giếng nhiễm mặn vo gạo, sau đó chắt ra hết mới cho nước ngọt vào nồi để nấu cơm. Ngoài ra, nước giặt đồ cũng được tận dụng để dội nhà vệ sinh, giữ lại nước mưa để tưới tiêu,... "Tiết kiệm như thế mà mỗi tháng gia đình 5 người cũng tốn triệu đồng tiền nước", bà Làm nói.
Nước ngọt được bà Làm mua từ thương lái chở từ đất liền ra với giá 7.000 đồng mỗi can 30 lít. Khi hết nước, bà thuê xe ba gác chở từ gần cầu cảng lên với giá 150.000 đồng một lượt, mỗi lần khoảng 10 can. Còn nước tắm, giặt, vệ sinh bà phải mua từ giếng khoan của một hộ dân khác trên đảo với giá 60.000 đồng một m3.
Cách nhà bà Làm khoảng 700 m, ông Trần Văn Kiên, thôn Bình Ba Tây, cũng phải tiết kiệm nước ngọt để đủ dùng cho gia đình 9 người. Trước đây, ông mua nước của lái buôn từ đất liền chở ra với giá 120.000 đồng mỗi m3. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay họ không chở nước ngọt về đảo bán nữa. Nắng nóng kéo dài khiến bể chứa nước mưa của gia đình ông cũng đã cạn. Ông Kiên phải mua nước bình loại 20 lít về để uống và nấu ăn. Còn nước tắm, giặt gia đình ông mua của một hộ dân có giếng đào trong xã.
"Mỗi ngày gia đình tôi dùng hết 2-3 bình nước và khoảng một m3 nước giếng dùng riêng cho tắm, giặt", ông Kiên nói, cho biết ông cũng được đầu tư hệ thống ống nhựa cung cấp nước từ một hộ dân có giếng trên đảo, khi cần mua thì thông báo sẽ được bơm nước. Nhưng hai tháng qua nước khan hiếm, có lúc phải đợi 3-4 tiếng mới có nước.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết chỉ có những nhà có điều kiện trên đảo mới đầu tư giếng khoan vì phải khoan sâu 100 m mới có nước, tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng không dùng để uống và nấu ăn được vì độ mặn lên đến trên 5 phần nghìn.
Hơn 6 tháng qua, trên đảo Bình Ba chỉ có hai cơn mưa lớn, nước mưa đầu mùa không được sạch nên người dân không dám hứng nước để dùng. Hầu hết đều phải mua nước ngọt từ đất liền bằng nhiều cách khác nhau. "Đến nay xã đảo Cam Bình chưa có hệ thống nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh", ông Ân nói và cho biết mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị về vấn đề thiếu nước ngọt nhưng việc này chưa thể được giải quyết.
Ông Quách Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà, cho biết dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba có tổng vốn khoảng 119 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016. Dự án sẽ đầu tư hệ thống ống từ đất liền chạy ngầm dưới biển qua đảo Bình Ba. Tuy nhiên, do không xin được nguồn vốn từ Trung ương nên dự án chưa thể triển khai.
Chủ tịch UBND TP Cam Ranh Lê Ngọc Thạch, cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu khảo sát lại phương án cấp nước cho người dân trên đảo Bình Ba để có hướng đầu tư phù hợp. Vì vậy, thành phố và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu phương án đầu tư hệ thống ống nước lộ thiên từ Vùng 4 Hải quân qua đảo Bình Ba để tiết kiệm chi phí.
Ông Thạch cũng cho biết gần đây, một doanh nghiệp ở Hà Nội đến đảo khảo sát đầu tư dự án dùng công nghệ lọc nước biển sang nước ngọt nhưng mức đầu tư dự án này rất lớn so với dân số trên đảo Bình Ba nên không đảm bảo thu hồi vốn. "Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi, nghiên cứu thêm các phương án cung cấp nước khác nhằm đảm bảo đời sống cho người dân", ông Thạch nói.
Bùi Toàn