Theo Daily Telegraph, giải đấu 2018 tổ chức tại Nga là mùa World Cup có nhiều penalty nhất, tỉ lệ ghi bàn cao nhất từ các tình huống cố định và có số việt vị thấp nhất trong mỗi trận so với bất kỳ World Cup nào kể từ 1966. Mỗi đội tuyển đã thi đấu trận đầu tiên và có ít thẻ đỏ hơn bất kỳ World Cup nào trong 32 năm qua.
Có tổng cộng 11 quả penalty được đưa ra sau 23 trận đấu, trong khi kỷ lục World Cup là 18 cho toàn bộ giải đấu với 64 trận. Theo BBC, công nghệ trọng tài video chắc chắn đã có tác động tới những con số trên. Năm quả phạt 11 mét cũng đã được đưa ra bằng cách sử dụng VAR, trong khi Anh, Brazil và Morocco không hài lòng với hệ thống.
Cựu trọng tài Premier League, Mark Halsey, nói rằng sự thất bại của VAR trong tình huống Harry Kane bị phạm lỗi nhưng không được công nhận trọng trận đấu với Tunisia, cho thấy hệ thống này "không phù hợp" và "không thích hợp để xuất hiện tại giải đấu này".
Brazil cũng yêu cầu FIFA đưa ra câu trả lời về việc dùng VAR, khi mà công nghệ này không được sử dụng dẫn đến bàn gỡ hoà gây tranh cãi trong trận gặp Thụy Sĩ. Ngoài ra, Morocco ấm ức vì trọng tài không dùng VAR trước Bồ Đào Nha, dù cho HLV Herve Renard đã nhiều lần yêu cầu.
FIFA xác nhận sẽ phân tích các sự cố trên trong một đánh giá về VAR giữa giải đấu tại Nga, có thể sau khi kết thúc vòng bảng. Dù vậy, Liên đoàn bóng đá thế giới nói "cực kỳ hài lòng với trọng tài tính đến nay và sự thành công của hệ thống VAR". Ông David Elleray, Giám đốc kỹ thuật của IFAB - cơ quan giám sát luật bóng đá, đánh giá tác động tổng thể của trọng tài video là "rất tích cực".
Tác động của VAR tại lượt đầu vòng bảng World Cup 2018: 0,06: số lượng thẻ đỏ cho mỗi trận - con số thấp nhất kể từ 1986. 2,81: số việt vị trung bình trên mỗi trận, ít nhất trong bất kỳ World Cup nào trong giai đoạn này. Mức trung bình thấp nhất trước đó là 3,13 vào 1966. 0,56: số penalty trung bình cho mỗi trận đấu, nhiều nhất kể từ 1966. Tại World Cup 2006 và 2010, chỉ có trung bình 0,06 quả phạt 11 mét cho mỗi trận đấu. 55,3%: tỷ lệ bàn thắng ghi được từ các tình huống đá phạt trực tiép. Con số này cao hơn 25% so với bốn năm trước. |
"Tôi không ngạc nhiên bởi những con số thống kê trên", Keith Hackett, cựu trọng tài FIFA và trưởng trọng tài Premier League, đánh giá. "Các đội tuyển, cầu thủ cũng như đội ngũ quản lý của đội bóng đều được cảnh báo rất nhiều về hành vi của họ cũng như tác động của VAR".
"Họ sẽ được thông báo rằng có 33 máy quay ghi lại mọi hành động của cầu thủ và ngoài các trọng tài trên sân thì còn có bốn trọng tài khác đang theo dõi trận đấu từ Moscow. Theo tiềm thức, điều đó đã tạo ra những tác dụng tích cực về lối đá cũng như kỷ luật. Đó rõ ràng là mặt tích cực và độ minh bạch của VAR đã được thể hiện", ông nói thêm.
VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referees - "Trợ lý trọng tài qua video", với vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. Công nghệ này đã được áp dụng tại một số giải đấu ở các quốc gia, nhưng là lần đầu tiên được đưa vào sự kiện lớn như World Cup.
"Bộ não" của hệ thống VAR là một phòng vận hành tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga), nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài này.
Video công nghệ VAR bắt việt vị thế nào:
Video công nghệ VAR hoạt động thế nào: