Theo nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Du lịch Brazil (FIPE) công bố, World Cup 2014 có thể tạo ra 13,5 tỷ USD (30 tỷ real Brazil) GDP cho kinh tế Brazil. Ước tính này dựa trên nghiên cứu về tác động kinh tế từ FIFA Confederations Cup (Cúp Liên đoàn các châu lục) năm ngoái cũng được tổ chức tại nước này, chưa tính tới ảnh hưởng của việc đội chủ nhà vừa bị Đức hạ 7-1 tại Bán kết.
Giải đấu năm 2013 mang về 4,3 tỷ USD cho Brazil. FIPE cho rằng World Cup sẽ có tác dụng gấp ba lần như thế nếu tính cả ảnh hưởng ban đầu, trực tiếp và gián tiếp lên kinh tế Brazil, dựa trên tổng chi cho cơ sở hạ tầng, tiêu dùng của khách du lịch trong nước, nước ngoài và đầu tư của Ban Tổ chức (LOC) cho sự kiện.
Trước đó, Bộ Du lịch Brazil ước tính tổng việc làm được tạo ra nhờ World Cup là khoảng một triệu, tương đương hơn 15% việc được tạo ra từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Dilma Rousseff. Trong đó, 710.000 việc làm là vĩnh viễn và hơn 200.000 là thời vụ.
Nếu những dự đoán này được xác thực, GDP tăng lên nhờ World Cup sẽ bù đắp được chi phí đầu tư để tổ chức sự kiện (11 tỷ USD). Trong đó có 8 tỷ real (tương đương 3,6 tỷ USD) cho xây mới và cải tiến sân vận động, các dự án giao thông như cảng biển, sân bay, và cơ sở du lịch, an ninh, viễn thông cùng nhiều tiện nghi khác.
Tuy nhiên, mặt trái là lạm phát có thể tăng theo World Cup. Reuters cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Brazil tháng 6 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm trần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương nước này. Tháng trước, tốc độ này là 6,3%.
Lạm phát tháng 6 tăng tốc được lý giải do các hãng hàng không và khách sạn nâng giá mùa World Cup. Giá vé máy bay tăng 22%, còn giá khách sạn tăng tới 25%. Cả hai đóng góp một nửa mức tăng CPI tháng 6.
Số liệu này đã kéo sự chú ý của Brazil về một trong những vấn đề kinh tế trầm trọng nhất hiện nay, sau một tháng hân hoan với sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Lạm phát cao liên tục sẽ khiến người dân suy giảm niềm tin, kéo tụt tăng trưởng kinh tế đang gần như chững lại của Brazil.
Ngân hàng Trung ương Brazil đang rất lúng túng khi đã tăng lãi suất tới 9 lần trong thời gian gần đây. Cơ quan này liên tục khẳng định các biện pháp họ áp dụng vẫn chưa hiệu quả, nhưng sẽ giúp lạm phát hạ nhiệt năm tới. Còn giới phân tích thì cho rằng mục tiêu 4,5% còn lâu mới đạt được nếu họ không tiếp tục tăng lãi suất.
Tạp chí Financial Times bình luận sự xuất sắc trong bóng đá của Brazil cũng có thể là lời nguyền với họ. Tuần trước, Brazil xảy ra 2 thảm kịch. Tại thành phố Belo Horizonte, một chiếc cầu vượt phục vụ World Cup đã sập, khiến 2 người thiệt mạng. Ngày hôm sau, Brazil mất ngôi sao Neymar trong trận tứ kết với Colombia vì chấn thương lưng.
Chấn thương của Neymar thu hút sự chú ý của giới truyền thông hơn nhiều so với tai nạn sập cầu, và nó một lần nữa được nhắc đến khi đội bóng của HLV Scolari không thể đi tới trận chung kết. Huyền thoại bóng đá Bill Shankly từng cho biết: "Một số người tin rằng bóng đá là vấn đề sự sống và cái chết. Tôi có thể đảm bảo với anh, nó còn quan trọng hơn thế rất nhiều".
Năm ngoái, rất nhiều người Brazil đã đổ ra đường phản đối các khoản chi khổng lồ cho kỳ World Cup. Trong khi hàng triệu người dân vẫn phải sống trong các khu ổ chuột, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giao thông, Chính phủ lại chi hơn 11 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup. Những người biểu tình cho rằng giới chức cũng cần xây dựng các trường học và bệnh viện "chuẩn FIFA" như các sân vận động.
Tháng 3, Brazil bị Standard & Poor's hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm xuống gần mức "rác". Chỉ số chứng khoán Bovespa giảm hơn 7% năm ngoái, nhanh hơn nhiều nước mới nổi khác. Theo khảo sát của ngân hàng trung ương nước này, GDP Brazil có thể chỉ tăng 1,1% năm nay, thay vì tốc độ 2,5% năm ngoái. Bloomberg nhận định đăng cai World Cup có thể kích thích phần nào kinh tế, nhưng không đủ để kéo nước này ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm 8/7 cảnh báo kinh tế Brazil sẽ còn yếu cho đến hết năm nay. “Tăng trưởng thấp và lạm phát cao cho thấy điều kiện vĩ mô nước này sẽ khó cải thiện trong năm nay, kể cả sau khi bất ổn quanh cuộc bầu cử tháng 10 qua đi”, báo cáo viết. Hãng dự đoán tăng trưởng GDP của Brazil chỉ đạt 1,3% năm nay và 1,5% năm tới. Trong khi đó, lạm phát dự kiến của Ngân hàng trung ương nước này năm 2014 được nâng lên 6,4%, từ 6,1% trước đó.
Thảm bại của đội tuyển trong trận bán kết World Cup năm nay khiến người Brazil sực tỉnh, để quay trở về với thực trạng phũ phàng của nền kinh tế.
Có mặt tại Brazil sau trận bán kết 8/7, hot blogger Trương Anh Ngọc cảm nhận rõ rệt sự thất vọng của người dân nơi đây. Một bà lão địa phương chia sẻ với anh: “Chúng tôi đã móc tiền túi để tạo nên cái World Cup này cho thế giới sung sướng. Vậy mà đội tuyển đã phản bội lại tất cả chúng tôi”.
Hà Thu