Đầu tuần này, Microsoft đã tuyên bố bán được 40 triệu bản Windows 8 sau một tháng ra mắt, cao hơn nhiều so với Windows 7 lúc mới được phát hành trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, con số này không đủ thuyết phục đối với các nhà phân tích từ phía công ty NDP Research. Họ nhận định mặc dù hệ điều hành Windows mới của "gã khổng lồ phần mềm" bán được với số lượng lớn nhưng nó không có tác dụng gì trong việc thúc đẩy thị trường máy tính Mỹ vốn đang có dấu hiệu đi xuống.
Số liệu của NDP Research cho thấy số lượng máy tính chạy Windows bán ra trong tháng trươc đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, máy tính xách tay có doanh số giảm tới 24%. Trong tháng 10, doanh số máy tính để bàn cũng giảm 9% so với cùng kỳ năm 2011.
Stephen Baker, một nhà phân tích của NDP Research, cho biết việc đầu tư cho các sản phẩm máy tính có màn hình cảm ứng và máy tính bảng chạy Windows 8 của Microsoft giống như một vụ "cá cược" không mang lại kết quả gì. Ông cho biết doanh số máy tính bảng chạy Windows 8 trong thời điểm hiện tại "gần như không tồn tại", chỉ chiếm 1% trong tổng số thiết bị Windows 8 không bao gồm Surface.
Nhà phân tích khẳng định rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá liệu Windows 8 sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực đến thị trường máy tính đang yếu đi hay không bởi trước mắt vẫn còn mùa shopping vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Tuy vậy, nhìn chung, hệ điều hành mới của Microsoft vẫn không tạo ra "cú huých" cho thị trường như mong đợi của nhiều người ban đầu.
Một lý do khác khiến cho Windows 8 không tạo ra được động lực cho thị trường máy tính là bởi nó không xuất hiện ồ ạt như Windows 7 lúc mới bán được một tháng. Theo tính toán của NDP Reseach, sau một tháng phát hành, Windows 7 được sử dụng trên 83% tổng số máy tính còn Windows 8 chỉ là 58%.
Hiện tại, các mẫu máy tính chạy Windows 8 có thiết kế "lai" với màn hình cảm ứng được đánh giá là có nhiều triển vọng. Chúng chiếm tới 6% trong tổng số máy tính xách tay bán ra thị trường.
Thanh Tùng