Một khẩu đội pháo phòng không Patriot của Mỹ tại Ba Lan. Ảnh: AP |
Các tài liệu nói trên được báo Guardian của Anh xuất bản hôm nay, trong đó tiết lộ rằng vào tháng 1 vừa qua, một bức điện gửi đi từ phái đoàn đại diện Mỹ tại trụ sở NATO nói về việc đô đốc Mỹ James Stavridis, chỉ huy NATO tại châu Âu, đã đề xuất mở rộng kế hoạch quân sự đặc biệt chuyên đối phó với các tình huống bất ngờ tại Đông Âu.
Theo đó, kế hoạch mang tên Eagle Guardian này ban đầu chỉ bảo vệ Ba Lan, đã được đề nghị mở rộng bao gồm thêm các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây là Estonia, Latvia và Litva. Cũng bức điện trên nói thêm rằng: "Việc mở rộng đã chính thức đệ trình lên khối liên minh quân sự để quyết định theo các tiến trình họp kín".
Trong khi đó, một bức điện mật khác do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ký nói NATO đã đồng ý mở rộng kế hoạch quân sự tới Baltic. Bà cũng chỉ thị cho các sứ quán Mỹ cách thức xử lý thông tin và nhấn mạnh kế hoạch này phải được giữ bí mật. Bức điện giải thích việc không nên thảo luận công khai về kế hoạch quân sự mới vì có thể dẫn tới gia tăng căng thẳng không cần thiết giữa NATO và Nga.
Tổng cộng có 9 sư đoàn của NATO tham gia vào kế hoạch nói trên, bao gồm binh sĩ đến từ Mỹ, Anh, Đức và Ba Lan. Giới phân tích nhận định, các bức điện mới được tiết lộ cho thấy có sự đi ngược lại chính sách công khai của Mỹ, vốn nhấn mạnh các nỗ lực nhằm "tái khởi động" mối quan hệ và cải thiện hợp tác với Nga.
Kể từ hôm 28/11 đến nay, Wikileaks đã lần lượt công bố hàng trăm thư tín ngoại giao nhạy cảm của các đại sứ quán Mỹ, liên quan đến hầu hết các vấn đề trên thế giới. Hành động này khiến Bộ Ngoại giao Mỹ nổi giận và lên án đây là vụ tấn công nhằm vào cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, lệnh bắt người sáng lập trang Wikileaks là Julian Assange đã được chuyển tới chính quyền Anh, nơi được cho là Assange đang ẩn náu. Luật sư của anh cũng cho biết thân chủ của mình đang chuẩn bị gặp cảnh sát Anh. Assange đang bị truy nã để thẩm vấn tại Thụy Điển liên quan đến cáo buộc hãm hiếp mà anh phủ nhận.
Đình Nguyễn