Giao thức kết nối Wi-Fi 802.11ax bắt đầu được phát triển từ năm 2018 thay thế cho chuẩn 802.11ac đang dần quá tải do lượng thiết bị có nhu cầu kết nối ngày càng lớn, đặc biệt là các thiết bị di động, nhà thông minh... Chuẩn mới chính thức được Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) công nhận với tên gọi Wi-Fi 6 và cung cấp chứng chỉ cho các nhà sản xuất thiết bị có sử dụng kết nối không dây này vào tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, phải tới tận đầu năm nay, Wi-Fi 6 mới thực sự phát huy được thế mạnh trên thị trường khi có mặt cả trên các thiết bị đầu cuối. Sản phẩm hỗ trợ chuẩn mới ban đầu phổ biến hơn ở các thiết bị nhận như điện thoại iPhone 11, Galaxy Note 10, Galaxy S20, Huawei P40 hay các dòng máy tính xách tay mới nhất Lenovo ThinkPad X1, Surface Laptop 3... Trong khi đó, các dòng thiết bị phát dần xuất hiện sau như các dòng AP của Cisco C9115I, Aerohive Networks AP305CX-FCC hay mới nhất là Xiaomi với bộ phát AX3600....
So với thế hệ Wi-Fi 5 (802.11ac), Wi-Fi 6 cho tốc độ tải dữ liệu nhanh hơn bốn lần, cơ chế phân luồng các gói dữ liệu giúp tăng tốc băng thông cho các môi trường có mật độ cao, lưu lượng lên xuống của dữ liệu lớn như môi trường nhiều người dùng, thiết bị AR/VR, video, giọng nói và đặc biệt là các thiết bị IoT. Chuẩn kết nối mới về cơ bản giúp kết nối ổn định hơn, giảm tắc nghẽn mạng, hỗ trợ đa thiết bị kết nối cùng lúc nhưng không xuất hiện tình trạng "nghẽn cổ chai" như chuẩn kết nối cũ.
Đặc điểm của xu thế kết nối mới của các thiết bị thông minh (IoT) là không cần băng thông quá lớn nhưng lại đòi hỏi kết nối ổn định, việc truy xuất dữ liệu diễn ra liên tục thay vì ngắt quãng nhưng băng thông lớn như các thiết bị di động thông thường. Kết nối mới vì vậy hỗ trợ giao thức MU-MIMO (đa người dùng, đa đầu vào, đa đầu ra) để giải quyết bài toán về năng lực chịu tải nhiều thiết bị. Đặc điểm này khiến Wi-Fi 6 phù hợp với các căn nhà thông minh với hàng trăm thiết bị kết nối cùng lúc cũng như các doanh nghiệp đòi hỏi băng thông lớn, độ trễ thấp và lượng người dùng đông đảo.
Nền tảng Wi-Fi 6 cũng giúp các nhà sản xuất triển khai nhiều công cụ, giải pháp hỗ trợ như việc kết hợp OFDMA, MU-MIMO trong Air Slice cho phép xây dựng mạng kết nối hàng nghìn thiết bị cùng lúc. Hay giải pháp Passpoint giúp chuyển đổi mạng Wi-Fi của doanh nghiệp thành mạng truy cập vô tuyến (RAN) để cung cấp hiệu suất như mạng 5G, giảm chi phí triển khai thiết bị trạm di động nhỏ.
Ngoài ra, Wi-Fi 6 cũng có bảo mật cao hơn với WPA3 (Wi-Fi Protected Access) giúp thiết bị kết nối an toàn khi dùng modem có chuẩn này với mạng công cộng, chống lại các cuộc tấn công nặc danh, mã hóa thiết bị truy cập và kết nối dễ dàng hơn cho thiết bị không có màn hình. Chuẩn mới cũng hỗ trợ TWT (Target Wake Time) cho phép thiết bị xác định thời gian và tần suất thức dậy để gửi hoặc nhận dữ liệu, điều này giúp cải thiện đáng kể thời lượng pin của chúng.
Có nhiều đặc điểm nổi bật nhưng các thiết bị chuẩn Wi-Fi 6 vẫn có thể tương thích với các thiết bị cũ. Ví dụ, một điện thoại ra mắt từ lâu như iPhone 8 vẫn có thể kết nối Wi-Fi bình thường với bộ phát Wi-Fi 6 hay một chiếc Galaxy Note 10 vẫn có thể dùng Wi-Fi bình thường với bộ phát Linksys EA6350 hỗ trợ 802.11ac cũ.