Hôm 12/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bệnh nhân được đưa vào phòng hồi sức tích cực nhi khoa (ICU) của một bệnh viện địa phương do sốt cao và đau bụng, cách đây 5 tháng.
Bé có kết quả dương tính cúm B và adenovirus, hôm 2/2. Bệnh nhi được xuất viện ngày 28/2, nhưng nhập viện trở lại một tuần sau đó trong tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng tái phát. Bé được chuyển đến bệnh viện công và vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em, đồng thời đặt nội khí quản.
Qua nhiều lần xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi dương tính cúm A H9N2. Ba tháng sau khi điều trị và chẩn đoán, trẻ được xuất viện nhưng vẫn phải hỗ trợ oxy.
Bệnh nhi này đã tiếp xúc với gia cầm tại nhà và ở khu vực xung quanh. Hiện gia đình em và những người từng tiếp xúc gần chưa có người gặp triệu chứng hô hấp.
Tại thời điểm báo cáo, WHO chưa có thông tin tình trạng tiêm chủng và điều trị bằng thuốc kháng virus của bệnh nhi. Theo cơ quan, đây là ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 thứ hai ở người từ Ấn Độ, kể từ lần đầu tiên vào năm 2019.
Từ năm 2015 đến 2023, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2, hai người tử vong. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cảnh báo các trường hợp mắc bệnh ở người có thể tiếp tục xảy ra rải rác vì đây là một trong những loại virus cúm gia cầm phổ biến nhất lưu hành ở nhiều khu vực trên thế giới.
Bệnh cúm gia cầm trên người chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Tỷ lệ tử vong khi mắc các chủng cúm gia cầm có thể lên đến 50% trong khi con số ở cúm thường là 1-4%.
Thục Linh (Theo Reuters, Time of India)