Ngày 6/5, bà Angela Pratt cho biết như trên ngay sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Covid-19 trên toàn cầu; thêm rằng đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của Việt Nam đối với nCoV.
"Covid-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa, cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn", bà nói và cảnh báo "đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác".
Tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đưa ra tối 5/5 tại cuộc họp báo ở Thụy Sĩ. Đây là động thái quan trọng để chấm dứt đại dịch đã giết chết gần 7 triệu người, làm điêu đứng các nền kinh tế gần ba năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, điều đó không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, mà đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý bệnh này cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
"Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm lúc này là mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống chống dịch đã xây dựng hoặc gửi thông điệp tới người dân rằng Covid-19 không có gì phải lo lắng", ông nói. Thực tế virus này vẫn còn, vẫn đang gây chết người, và vẫn đang thay đổi. Nguy cơ vẫn còn do các biến chủng mới xuất hiện gây ra những đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong.
Người đứng đầu WHO dẫn chứng tuần trước, cứ 3 phút Covid-19 lại cướp đi sinh mạng của một người "và đó chỉ là những trường hợp tử vong mà chúng tôi được biết". Hàng nghìn người trên khắp thế giới đang chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình tại các đơn vị chăm sóc tích cực. Hàng triệu người khác tiếp tục sống với những hậu quả gây suy nhược cơ thể của tình trạng hậu Covid.
Bộ Y tế Việt Nam hiện chưa có ý kiến gì trước tuyên bố của WHO. Việt Nam vẫn coi Covid-19 là tình trạng sức khỏe khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc mới đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy nhiên, Bộ nói tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế.
Chiều 5/5, Bộ Y tế ghi nhận thêm hơn 3.300 ca mới, cao nhất tính theo ngày trong 6 tháng qua. 161 bệnh nhân đang thở oxy. Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày một ca tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến nay là 43.196, tỷ lệ 0,4% tổng ca nhiễm.
Số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đứng thứ 26/231 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong tính trên một triệu dân xếp thứ 141. Tại châu Á, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Việt Nam đứng thứ 7/50 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ ba khu vực Đông Nam Á (ASEAN), tính tỷ lệ trên một triệu dân thì đứng thứ 29 và thứ 5 ASEAN.
WHO tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng (PHEIC) do Covid-19 vào ngày 30/1/2020, vài tuần sau khi nCoV được phát hiện tại Trung Quốc. Mục tiêu đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ cho các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh. Khi ấy, thế giới mới ghi nhận dưới 100 ca nhiễm, không trường hợp nào tử vong. Sau đó, dịch bùng phát nhanh. Các nước lần lượt tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đối với Covid-19.
Theo dữ liệu của WHO, thế giới ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp dương tính kể từ khi đại dịch bắt đầu, gần 7 triệu người tử vong. Châu Âu là lục địa có nhiều ca nhiễm nhất, trong khi số người tử vong nhiều nhất được ghi nhận ở châu Mỹ.
Lê Nga