Báo cáo được WHO công bố ngày 24/5 tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ. Theo WHO, trong chưa đầy ba năm, đại dịch đã xóa sạch tiến bộ gần một thập kỷ trong việc cải thiện tuổi thọ. Số năm sống khỏe của người dân toàn thế giới cũng giảm 1,5 năm, còn 61,9 năm.
Thống kê này của WHO nêu bật những tác động "được cảm nhận không đồng đều" trên toàn thế giới. Khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuổi thọ người dân khu vực này giảm khoảng 3 năm, tuổi thọ khỏe mạnh giảm 2,5 năm trong thời gian từ 2019 đến 2021. Khu vực Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng tối thiểu trong hai năm đầu tiên của đại dịch, với mức giảm tuổi thọ dưới 0,1 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 0,2 năm.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO đánh giá: "Thế giới tiếp tục có những tiến bộ về sức khỏe, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế trước các tình huống khẩn cấp".
Tuy nhiên, ông nhận định đại dịch cho thấy các tiến bộ đó "mong manh đến mức nào", bởi Covid-19 đã xóa đi thành tựu về tuổi thọ trong một thập kỷ. Đây là lý do Thỏa thuận Đại dịch mới rất quan trọng. Theo thỏa thuận, cần tăng cường an ninh y tế toàn cầu, duy trì các khoản đầu tư dài hạn vào y tế và thúc đẩy công bằng trong và giữa các quốc gia.
Covid-19 nhanh chóng nổi lên như một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đứng thứ ba vào năm 2020 và thứ hai vào năm 2021. Gần 13 triệu người đã thiệt mạng trong giai đoạn này. Ước tính, trừ khu vực châu Phi và Tây Thái Bình Dương, Covid-19 trong số 5 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới.
Báo cáo của WHO cũng nhấn mạnh bệnh không lây nhiễm (NCD) như bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường là những nguyên nhân tử vong lớn nhất trước đại dịch, gây ra 74% tổng số ca tử vong ở các nước.
Thế giới phải đối mặt với một vấn đề lớn và phức tạp, đó là gánh nặng kép: suy dinh dưỡng - thừa cân, béo phì. Năm 2022, hơn một tỷ người từ 5 tuổi trở lên sống chung với bệnh béo phì. Nửa tỷ người bị thiếu cân, còi cọc, suy dinh dưỡng.
Thục Linh (Theo WHO)