Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết như trên tại Hội thảo khoa học và chia sẻ kinh nghiệm về công tác tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá, tổ chức ở Bệnh viện Bạch Mai ngày 28/5.
"Chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện", tiến sĩ Angela Pratt nói, thêm rằng người hút chuyển sang thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không giúp họ bỏ thuốc lá mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại.
Đại diện WHO cũng cho biết không có bằng chứng nào chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Thực tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng đánh giá hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Đây là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch và hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Việt Nam ghi nhận có sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Năm ngoái, hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. Ngoài ra, sự xuất hiện các sản phẩm thuốc mới này ảnh hưởng đến công tác tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Theo bà Angela Pratt, trên thế giới, các công ty lo lắng vì nguy cơ giảm lợi nhuận từ thuốc lá thông thường. Ngành công nghiệp này đang tích cực thúc đẩy các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới để tuyển dụng những người hút thuốc trẻ tuổi. Vì vậy, các chuyên gia y tế đề xuất khẩn cấp cấm sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử.
Hiện khoảng 40 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, 18 quốc gia cấm các sản phẩm thuốc lá nung nóng. "Với Việt Nam, cách duy nhất để bảo vệ hiệu quả giới trẻ khỏi tác hại sức khỏe của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là cấm hoàn toàn", bà Angela Pratt kiến nghị.
Lê Nga