"Các quốc gia đang mở cửa xã hội phần lớn đã kiểm soát được nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm, oxy, đặc biệt là vaccine. Trong khi đó, những nước không đủ nguồn cung đang đối mặt những làn sóng nhập viện và tử vong", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu hôm 6/7 tại cuộc họp về chương trình Tăng tốc Tiếp cận Công cụ ứng phó Covid-19 (ACT-A) của WHO.
ACT-A là cơ chế phối hợp quốc tế, nhằm phát triển, sản xuất, mua và phân phối công cụ chống Covid-19. Chương trình đã nhận được cam kết đóng góp 17,7 tỷ USD cho giai đoạn 2020-2021, nhưng cần nhận được phần còn lại trị giá 16,8 tỷ USD vào cuối năm nay. WHO cho biết khoảng 8,1 tỷ USD trong số đó là khẩn cấp.
Tình trạng thiếu hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về khả năng chống dịch đang bị nới rộng, bao gồm việc tiếp cận vaccine không đồng đều. Giám đốc WHO cảnh báo Covid-19 vẫn ở "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" trong hơn 18 tháng tới.
Chương trình Covax của WHO, nhằm đảm bảo các nước nghèo hơn có thể tiếp cận vaccine, đang lo ngại về tình trạng tranh giành. Tại những quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm thu nhập cao, 84 liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên 100 dân, trong khi con số này tại 29 nước thu nhập thấp nhất chỉ là một liều.
Hôm 6/7, Covax chạm mốc phân phối 100 triệu liều vaccine trên 135 lãnh thổ tham gia chương trình. Tuy nhiên, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của tổ chức, cho biết đáng lẽ phải đạt con số 300-400 triệu liều vào giai đoạn này.
Chương trình dự kiến nhận được số lượng lớn vaccine từ cuối tháng 9 đến tháng 1/2022, khi có thêm nhiều loại vaccine tham gia vào cơ chế mà tới nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào AstraZeneca. Chủ tịch hãng dược phẩm Mỹ Pfizer Albert Bourla cho biết công ty đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới.
"Chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo AFP)