WHO đưa ra dự báo này tại cuộc họp hôm 14/9, sau khi số ca nhiễm trong một ngày lên mức cao kỷ lục. Cuộc họp trực tuyến kéo dài hai ngày, 55 nước thành viên WHO tham gia, nhằm thảo luận về phương pháp ứng phó với nCoV.
"Tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn. Vào tháng 10 và tháng 11, chúng ta có thể ghi nhận nhiều trường hợp tử vong", Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, phát biểu.
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn chưa thoát khỏi đại dịch".
Đợt bùng phát mới nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn lục địa, khiến các cuộc tranh luận về phương pháp tối ưu ứng phó với virus được hâm nóng trở lại.
Kể từ hôm 14/9, Anh đã áp đặt biện pháp hạn chế, cấm các cuộc tụ họp quá 6 người.
Hàng triệu học sinh ở các quốc gia bị ảnh hưởng khác chuẩn bị trở lại trường học sau nhiều tháng. Dù giới chức y tế đã chú trọng kiểm tra và sàng lọc, nhiều người vẫn lo ngại về tình trạng thiếu khẩu trang cho giáo viên và ghế dài để thực hiện giãn cách an toàn. Một số khu vực ở miền Nam Italy thậm chí hoãn khai giảng do chưa chuẩn bị kỹ lưỡng.
Dịch cúm mùa kéo đến cũng có thể khiến châu Âu chịu cảnh "dịch bệnh kép". Hai căn bệnh có triệu chứng đường hô hấp giống nhau, khó phân biệt qua khám lâm sàng. Trong khi đó, những hệ quả của đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề đến các nhân viên và hệ thống y tế nói chung.
"Họ luôn được yêu cầu phải làm nhiều hơn, luôn quá tải và trở nên kiệt sức", ông Hans Kluge nói.
Các chuyên gia cho rằng chìa khóa đưa thế giới ra khỏi Covid-19 là vaccine. Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford đã được phép nối lại thử nghiệm lâm sàng ở Anh, sau khi "tự nguyện ngừng" do phát hiện tình nguyện viên bị ốm. Đây được coi là tin đáng mừng, song ông Kluge cho biết công chúng không nên đặt tất cả kỳ vọng vào một sản phẩm duy nhất.
"Tôi đã nghe nói suốt thời gian qua: vaccine là dấu chấm hết cho đại dịch. Tất nhiên là không", ông nhấn mạnh, bổ sung thêm rằng Covid-19 sẽ kết thúc khi người dân học cách sống chung với nó.
Thục Linh (Theo AFP)