"Từ đầu đại dịch tới nay, chúng ta chưa từng trải qua bối cảnh như hiện tại, mở ra cơ hội về thời kỳ yên bình lâu dài", Hans Kluge, giám đốc phụ trách châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm nay cho biết, chỉ ra rằng khu vực này đang có khả năng miễn dịch rộng rãi nhờ tiêm chủng Covid-19 và bộ phận lớn dân số từng nhiễm, biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông sắp kết thúc.
Theo Kluge, những điều kiện này còn mang lại cho châu Âu khả năng chống chịu tốt hơn trước bất kỳ đợt tái bùng phát dịch bệnh nào, "ngay cả với một biến chủng độc lực mạnh hơn Omicron". "Châu Âu có thể ứng phó những biến chủng mới chắc chắn sẽ xuất hiện, mà không cần tái áp đặt các biện pháp gây gián đoạn chúng ta từng cần", ông cho biết.
Quan chức WHO nhấn mạnh điều này "không có nghĩa là đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt", nhưng "có một cơ hội để kiểm soát sự lây lan". Ông cảnh báo viễn cảnh lạc quan mà WHO dự đoán chỉ chính xác nếu các nước tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng và tăng cường giám sát để phát hiện những biến chủng mới. Ngoài ra, ông kêu gọi giới chức y tế bảo vệ những nhóm nguy cơ cao và thúc đẩy trách nhiệm cá nhân, như thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Theo số liệu của WHO, khoảng 12 triệu ca nhiễm mới đã được báo cáo ở châu Âu tuần trước, mức cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, do tỷ lệ nhập viện thấp hơn những làn sóng lây nhiễm trước đây, vài nước châu Âu như Pháp, Ireland và Anh đã tuyên bố dỡ bỏ hoặc giảm đáng kể các biện pháp hạn chế, bất chấp số ca nhiễm kỷ lục hoặc ở mức rất cao. Đan Mạch hôm 1/2 trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ toàn bộ biện pháp chống Covid-19 trong nước.
Mặc dù vậy, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "virus này rất nguy hiểm và đang tiếp tục biến hóa", cho rằng "còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng Covid-19".
Ánh Ngọc (Theo AFP)