Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, hôm 8/11 cho rằng người Mỹ "cần chú ý đến tình hình ở châu Âu ngay bây giờ và rút ra bài học".
"Nguyên tắc cơ bản là nếu xảy ra tình huống ca nhiễm tăng đột biến, đừng chờ đợi. Hãy đưa ra các biện pháp ngăn chặn virus bùng phát trở lại càng sớm, càng chặt chẽ càng tốt", ông nhấn mạnh.
Khi được hỏi về Lễ Tạ ơn và Giáng sinh sắp tới đối với người Mỹ, ông cho rằng người dân có thể tổ chức các sự kiện theo cách an toàn, giảm số lượng người tụ tập. Ông đặc biệt lưu ý sự cần thiết của tiêm chủng và thông gió ở các không gian kín.
Chính phủ Mỹ từ ngày 8/11 dỡ lệnh cấm nhập cảnh với khách đã tiêm vaccine Covid-19 từ hơn 30 quốc gia, chấm dứt 20 tháng hạn chế đi lại. Khoảng 66% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 57% đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng.
Trong khi đó, châu Âu chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới với số ca nhập viện tăng gấp đôi trong 4 tuần qua. WHO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" khi châu Âu một lần nữa bị dịch bệnh bủa vây, trở thành tâm dịch toàn cầu trong đợt bùng phát mới nhất.
Theo Kluge, tỷ lệ tiêm chủng đi ngang ở một số khu vực châu Âu, cùng các biện pháp hạn chế được nới lỏng đã dẫn tới sóng Covid-19 thứ tư. Các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Bồ Đào Nha, dường như đang tránh được đợt bùng phát nghiêm trọng, nhưng một số quốc gia Đông Âu đang ghi nhận tỷ lệ tử vong hàng ngày tăng lên.
Romania, thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở châu Âu, đang trở thành một trong những quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất toàn cầu. Đức hôm 8/11 cũng báo cáo tỷ lệ lây nhiễm cao nhất từ khi đại dịch bắt đầu.
Tại Anh, virus lây lan trong các trường học sau khi chính phủ bãi bỏ quy định đeo khẩu trang và các biện pháp phòng dịch, đang được cho là nguyên nhân dẫn đến ca nhiễm tăng cao. Đợt bùng phát đang làm dấy lên lo ngại lệnh phong tỏa mới có thể được áp dụng trong mùa đông.
"Vaccine thay đổi cuộc chơi. Nhưng chỉ mình vaccine là không đủ", Kluge nói. "Chúng ta cần duy trì áp lực với virus, không từ bỏ khẩu trang, rửa tay, thông gió trong nhà, đặc biệt ở các trường học".
Huyền Lê (Theo CBS)