Ở nhóm nước thu nhập kém và trung bình trong đó có Việt Nam, số tiền dành cho sức khỏe tâm thần chiếm vỏn vẹn 1% ngân sách y tế. 24,3% người Việt độ tuổi 25-55 và 47% người trên 55 tuổi bị trầm cảm, theo số liệu thống kê năm 2015. Khẳng định trầm cảm đã trở thành nguy cơ sức khỏe hàng đầu thế giới, báo cáo mới nhất của WHO cho thấy hơn 322 triệu người bị trầm cảm, vượt xa sốt rét với 212 triệu ca. Từ năm 2005 đến 2015, tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm tăng 18%.
Nhu cầu tăng cường đầu tư hỗ trợ người mắc bệnh tâm thần vô cùng cấp bách. Hiện nay, ngay tại những quốc gia phát triển, 50% bệnh nhân trầm cảm không được hưởng những biện pháp trị liệu như trò chuyện, uống thuốc hoặc kết hợp cả hai.
"Những con số này là lời cảnh tỉnh các quốc gia phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận cũng như điều trị bệnh tâm thần", Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan cho biết.
Theo Medical Daily, trầm cảm đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất 2 tuần. Các triệu chứng khác bao gồm lo âu, dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ, thiếu năng lượng, thay đổi khẩu vị và vấn đề tư duy. Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 800.000 người chết vì căn bệnh này.
"Hiểu biết tốt hơn về trầm cảm cũng như phương pháp điều trị mới là sự khởi đầu". Shekhar Saxena, Giám đốc Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện thuộc WHO nói. "Chúng ta cần đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần để mọi cộng đồng dù xa xôi đến đâu cũng có thể tiếp cận".
Minh Nguyên