Phán quyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong cuộc họp sáng 14/7, sau chuỗi ngày nghiên cứu của hai cơ quan độc lập, gồm Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IARC). Hai đơn vị này đã xem xét mọi bằng chứng cho thấy một chất có tác hại tiềm ẩn hay không và đánh giá mức độ rủi ro thực tế mà chúng gây ra.
Aspartame là một trong những chất tạo ngọt phổ biến nhất thế giới, được dùng trong các sản phẩm như nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su không đường.
IARC đánh giá về khả năng gây ung thư của aspartame dựa trên ba cuộc nghiên cứu ở người tại Mỹ và châu Âu. Qua đó, tổ chức này phát hiện mối liên quan giữa ung thư biểu mô tế bào gan với việc tiêu thụ chất tạo ngọt. Các chuyên gia xếp chất này vào nhóm 2B - nhóm chất có khả năng gây ung thư cho người. IARC thêm rằng bằng chứng hạn chế từ các nghiên cứu trên động vật trước đó cũng là một yếu tố, mặc dù chúng đang gây tranh cãi.
"Theo quan điểm của chúng tôi, đây là lời kêu gọi giới nghiên cứu cố gắng làm rõ hơn về nguy cơ gây ung thư có thể có hoặc không do tiêu thụ aspartame", tiến sĩ Mary Schubauer-Berigan, quyền trưởng chương trình chuyên khảo của IARC, cho biết.
Còn JECFA kết luận lượng tiêu thụ quy ước hàng ngày đối với chất tạo ngọt này (0-40 mg aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể) là hợp lý, không cần thay đổi. Hiện nay, mỗi lon nước ngọt không đường chứa 200-300 mg aspartame. Như vậy, một người nặng từ 60 đến 79 kg, uống hơn 9 đến 14 lon nước ngọt mỗi ngày mới gây nguy hiểm, trong trường hợp họ không tiêu thụ aspartame từ các nguồn khác.
Các nhà khoa học độc lập với các cuộc đánh giá của WHO nói bằng chứng cho thấy aspartame gây ung thư là yếu. Paul Pharoah, giáo sư dịch tễ học ung thư tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, Mỹ, cho biết một số chất khác thuộc nhóm 2B là chiết xuất lô hội; caffeic có trong trà, cà phê; hoặc rau muối truyền thống của châu Á. Ông cho rằng công chúng không nên lo lắng về nguy cơ ung thư liên quan đến các hóa chất được phân loại ở Nhóm 2B.
Francesco Branca, giám đốc dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, nhấn mạnh kết quả trên không chỉ ra rằng việc tiêu thụ không thường xuyên có thể gây rủi ro cho hầu hết người tiêu dùng. Do đó, WHO không khuyến cáo các công ty thu hồi sản phẩm, cũng không khuyến nghị người tiêu dùng ngừng tiêu thụ hoàn toàn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thực phẩm nên xem xét thay đổi thành phần để tạo ra sản phẩm mà không sử dụng chất tạo ngọt, ông nói.
"Chúng tôi chỉ khuyên bạn nên hạn chế sử dụng một chút", ông Branca cho hay, thêm rằng nếu người tiêu dùng đứng trước lựa chọn nên uống soda có chất làm ngọt hay chứa đường, họ nên cân nhắc lựa chọn thứ ba là uống nước, thay vì uống soda.
Còn Frances Hunt-Wood, Tổng thư ký của Hiệp hội Chất tạo ngọt Quốc tế, cho rằng aspartame, giống như tất cả chất tạo ngọt có hàm lượng calo thấp hoặc không calo, khi được sử dụng như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, có thể cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn để giảm lượng đường, một mục tiêu quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Hôm 14/7, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ra tuyên bố không đồng ý với kết luận của IARC rằng aspartame là chất có thể gây ung thư ở người. Người phát ngôn cho biết FDA đã xem xét bằng chứng tương tự như IARC vào năm 2021 và xác định những sai sót đáng kể trong các nghiên cứu.
"Các nhà khoa học của FDA không lo ngại về an toàn khi aspartame được sử dụng trong các điều kiện đã được phê duyệt", cơ quan này cho hay.
Trong khi đó, hồi tháng 5, WHO cho biết chất làm ngọt nhân tạo, được sử dụng thay thế đường trong nhiều loại sản phẩm, không giúp giảm cân, có thể ảnh hưởng sức khỏe. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã đưa ra các hướng dẫn, khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm này. Hiện vấn đề này vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học và ngành công nghiệp thực phẩm.
Thục Linh (Theo AFP, CNBC)