"Hãy tin rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Chúng ta cần cố gắng ngăn chặn thảm kịch bởi đây là loại virus còn nhiều ẩn số", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi họp tại Thụy Sĩ ngày 20/4.
Sau khi kiểm soát số ca nhiễm mới, một số quốc gia châu Á và châu Âu bắt đầu xem xét nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. Với tỷ lệ tử vong thấp, Đức đã cho phép các cửa hàng nhỏ hoạt động trở lại ở một số khu vực. Trong khi đó, nhiều người Mỹ trở nên bất mãn với việc phải ở nhà quá lâu, đã xuống đường biểu tình đòi quay về với cuộc sống bình thường. Tại Singapore, quốc gia từng được ca ngợi về công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng thời gian đầu, virus tái bùng phát ở một khu nhà ở lao động đông đúc.
Người đứng đầu WHO không nêu rõ lý do vì sao ông tin rằng Covid-19 có thể trở nên tồi tệ hơn. Song trước đó, ông và nhiều chuyên gia đã chỉ ra khả năng bệnh tật sẽ tấn công châu Phi, nơi hệ thống y tế kém phát triển. Ông cũng từng so sánh Covid-19 với đại dịch cúm Tây Ban Nha hơn một thế kỷ trước, cho rằng mức độ nguy hiểm của chúng là tương đương. Tổng giám đốc Tedros gọi Covid-19 là "Kẻ thù số một của cộng đồng" và nói: "Chúng tôi đã cảnh báo từ những ngày đầu, rằng đây là ‘con quỷ’ mà ai cũng phải chống lại".
Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, ông Takeshi Kasai, cũng cho rằng việc nới lỏng lệnh hạn chế cần được thực hiện từng bước để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Ông nhận định cho đến khi các nhà khoa học phát triển thành công vaccine an toàn và hiệu quả, người dân các nước cần làm quen lối sống mới, thích ứng với hoàn cảnh.
Ngày 21/4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và WHO phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu để mở rộng quy mô phát triển, sản xuất và phân phối thuốc, vaccine cũng như thiết bị y tế trong cuộc chiến chống dịch.
Toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,5 triệu ca nhiễm nCoV và khoảng 177.000 trường hợp tử vong. Trong đó, 694.881 bệnh nhân đã được điều trị thành công và xuất viện.
Thục Linh (Theo AP, SCMP)