(motherof7) |
Bảng chỉ số hiện thời dựa trên các dữ liệu của những đứa trẻ được nuôi bằng sữa thường từ 20 năm trước. Nhưng trẻ bú bình hay tăng cân nhanh hơn những em bú mẹ, dẫn đến trẻ bú mẹ dễ bị coi là thiếu cân. Bảng chỉ số mới sẽ dựa trên dữ liệu của những em nuôi bằng sữa mẹ.
Nghiên cứu bao gồm hơn 8.000 đứa trẻ từ 6 quốc gia khác nhau, được nuôi trong môi trường mà việc bú sữa, chế độ ăn uống tốt, sự phòng ngừa bệnh tật là tương đương nhau. Dữ liệu từ nghiên cứu này được sử dụng để lập nên bảng chỉ số mới cho thấy một đứa trẻ sẽ tăng trưởng ra sao, giúp các bác sĩ và cha mẹ nhận ra cân nặng lý tưởng của trẻ.
Nghiên cứu đã cho thấy hệ thống hiện thời đẩy cân nặng tiêu chuẩn lên quá cao. Bảng chỉ số hiện thời nói rằng cân nặng của một đứa trẻ 1 tuổi khoẻ mạnh là từ 10,2kg đến 12,93 kg, trong khi thực tế cân nặng chuẩn là 9,53 kg đến 11,79 kg.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi bảng chỉ số dựa trên dữ liệu từ những trẻ nuôi bằng sữa mẹ. WHO cũng khuyên các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ, bởi nó cung cấp mọi loại chất dinh dưỡng mà trẻ cần. Các nghiên cứu cũng cho thấy sữa mẹ giúp giảm nguy cơ béo phì và hạ huyết áp. Tuy nhiên, trẻ bú mẹ sẽ tăng cân chậm hơn so với trẻ uống sữa thường.
Giáo sư Alan Lucas, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện sức khoẻ trẻ em tại Đại học London, nói: "Sự tăng trưởng của trẻ bú sữa mẹ lý tưởng hơn sự tăng trưởng của trẻ bú sữa thường - trẻ tăng trưởng chậm hơn thì sẽ tốt hơn. Trước đây mọi người cho rằng trẻ em trông càng to béo càng sướng, nhưng mọi loài động vật khác đều cho thấy những con non sinh trưởng quá nhanh đều gặp bất lợi về sức khoẻ lâu dài".
Nghiên cứu của ông cũng cho thấy trẻ tăng trưởng nhanh có dấu hiệu của huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và hàm lượng cholesterol cao khi trưởng thành.
Rosie Dodds, chuyên viên nghiên cứu chính sách của Tổ chức Childbirth quốc gia, nhận định: "Những chỉ tiêu tăng trưởng mới này sẽ giúp đảm bảo các em bé được hưởng lợi từ sữa mẹ nhiều hơn và chúng tôi hy vọng nó sẽ được áp dụng rộng rãi càng sớm càng tốt".
M.T. (theo BBC)