WHO cho biết hướng dẫn mới hữu ích với những khu vực có hệ thống y tế bị quá tải, chịu nhiều áp lực vì đợt bùng phát. Theo đó, người mắc không triệu chứng có thể rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 10 ngày nếu không xét nghiệm, 7 ngày với kết quả xét nghiệm âm tính. Trước đó, khuyến nghị của WHO là 14 ngày.
Cơ sở để WHO và các chuyên gia đề xuất rút ngắn cách ly là do Covid-19 chủ yếu lây truyền sớm trong quá trình phát bệnh, thường một đến hai ngày trước và hai đến ba ngày sau khi F0 khởi phát triệu chứng.
Tổ chức này cũng khuyến nghị nới lỏng biện pháp truy vết trong các tình huống tương tự. Theo đó, đối với những người tiếp xúc với F0, cần ưu tiên các ca có nguy cơ nhiễm bệnh và chuyển nặng cao nhất như nhân viên y tế, người có bệnh nền hoặc chưa được tiêm chủng.
"Nhiều nước đã nhanh chóng mở rộng năng lực truy vết trong bối cảnh Omicron lan nhanh. Trước tình hình thực tế, các quốc gia có thể xem xét cách tiếp cận thiết thực hơn. Yêu cầu truy vết cộng đồng có thể làm gián đoạn dịch vụ thiết yếu, bao gồm dịch vụ y tế", WHO cho biết.
Một số quốc gia như Đức và Thụy Sĩ đã rút ngắn thời gian cách ly F0 để ứng phó với làn sóng Omicron. Tháng 12/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến nghị người mắc Covid-19 không có triệu chứng cách ly tại nhà 5 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây.
Nhiều nước châu Âu đã dỡ bỏ hạn chế phòng dịch. Tại Hà Lan, người dân không cần đeo khẩu trang nơi công cộng, không sử dụng thẻ xanh tiêm chủng kể từ cuối tháng này.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ngày 29/1 cho phép các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ kết thúc cách ly khi điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính, thay vì 10 ngày như trước.
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều. Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận F0 khỏi bệnh.
Thục Linh (Theo Reuters)