Trong cuộc họp ngày 1/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một số quốc gia sẽ không tránh khỏi các đợt lây nhiễm trong cộng đồng sau khi dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, những khu vực thực hiện các biện pháp toàn diện để chống lại Covid-19 sẽ đủ khả năng ngăn chặn làn sóng mới này.
Theo Tedros, chiến thuật tìm kiếm, xét nghiệm, cách ly và điều trị tất cả trường hợp nghi nhiễm hoặc dương tính, truy dấu tiếp xúc là tuyệt đối quan trọng. Ông nhấn mạnh chính phủ các nước cần kết hợp tiến hành đồng bộ tất cả biện pháp này.
WHO đề cao công tác dập dịch của Italy và Tây Ban Nha, cho rằng hai quốc gia từng là điểm nóng lây lan Covid-19 đã thành công ngăn chặn dịch bằng "sự lãnh đạo hiệu quả, khiêm tốn, tinh thần đồng lòng, tích cực của mọi người dân và cách tiếp cận mọi mặt".
Cũng trong buổi họp, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết tổ chức đã lên kế hoạch cử hai chuyên gia từ trụ sở chính tham gia nhóm nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc virus ở Trung Quốc.
Trong hai ngày 1-2/7, WHO chủ trì diễn đàn nghiên cứu và đổi mới lần thứ hai, 1.000 nhà khoa học thế giới tham gia, nhằm nắm bắt những tiến bộ đã đạt được cho đến nay.
Tính đến ngày 2/7, toàn cầu ghi nhận hơn 10,5 triệu người nhiễm nCoV và hơn 500.000 ca tử vong. Vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, với mức tăng trong ngày lên tới 45.000 ca. Trước tình hình đó, một số bang đã nối lại các biện pháp hạn chế như đóng cửa nhà hàng, quầy rượu, sòng bạc trong vòng ba tuần. Dịch bệnh ở Mỹ trở nên trầm trọng hơn phần vì các cuộc biểu tình hồi cuối tháng 5 và làn sóng phản đối đeo khẩu trang của một bộ phận công dân.
Thục Linh (Theo Reuters, WHO)