Các trường hợp tử vong xảy ra trong thai kỳ, sinh nở hoặc những tuần đầu sau sinh. Nhiều trẻ em và phụ nữ chết do "các nguyên nhân có thể phòng ngừa, điều trị nếu được chăm sóc thích hợp", WHO thông tin ngày 9/5.
"Tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cao không thể chấp nhận", tiến sĩ Anshu Banerjee, Giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người già, tại WHO, nói, thêm rằng Covid-19 đã tạo ra những trở ngại lớn trong việc cung cấp dịch vụ y tế.
Tám năm qua, tỷ lệ sống sót của bà mẹ và trẻ em không được nâng cao. Theo báo cáo của WHO, mỗi năm có 290.000 ca mẹ tử vong, 1,9 triệu ca thai chết lưu (sau 28 tuần thai) và 2,3 triệu ca tử vong sơ sinh (trẻ tử vong trong tháng đầu đời).
WHO cho rằng đại dịch, tình trạng nghèo đói gia tăng và các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng tạo áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe, nhất là người sống tại các nước dễ bị tổn hại trong những trường hợp khẩn cấp. Các quốc gia thiếu hụt kinh phí, đầu tư hạn chế đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, có thể làm giảm tỷ lệ sống sót của trẻ em và bà mẹ.
Sinh non hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi toàn thế giới. Hiện chưa tới một phần ba số quốc gia thành viên WHO báo cáo có đủ đơn vị chăm sóc điều trị cho bệnh nhi trong những tháng đầu đời.
"Chúng ta phải thay đổi hành động. Các nước cần đầu tư nhiều và thông minh hơn vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với phụ nữ, trẻ sơ sinh, bất kể họ sống ở đâu", tiến sĩ Banerjee nói.
Theo tiến sĩ Julitta Onabanjo, Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), các ca tử vong ở phụ nữ và trẻ nhỏ là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Tình trạng này cảnh báo các nước, cần mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục.
Thục Linh (Theo WHO)