Số ca nhiễm sởi hiện tăng mạnh ở hầu hết khu vực, chủ yếu do lịch tiêm chủng bị gián đoạn trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hệ thống y tế quá tải, các nguồn lực chuyển sang ứng phó với nCoV. Thông tin sai lệch về độ an toàn của vaccine cũng khiến phạm vi tiêm chủng trên thế giới suy giảm. Đây là lý do khiến dịch sởi có thể bùng phát nhanh chóng vào cuối năm 2024.
"Nếu không nhanh chóng lấp đầy bằng vaccine, dịch bệnh sẽ len lỏi vào các khoảng trống đó", Natasha Crowcroft, cố vấn kỹ thuật cao cấp về bệnh sởi và rubella của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, hôm 27/2.
Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc sởi năm ngoái tăng 79% so với 2022, lên hơn 300.000, song đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Các chuyên gia cho biết con số thực có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Các đợt bùng phát được báo cáo ở nhiều khu vực thuộc WHO, ngoại trừ châu Mỹ. Tính đến tháng 12/2023, châu Âu ghi nhận gần 21.000 ca nhập viện - gấp 50 lần so với 2022, 5 ca tử vong, tập trung ở trẻ 1-4 tuổi và người trên 20 tuổi.
Crowcroft cho biết tỷ lệ tử vong cao hơn ở các nước nghèo do hệ thống y tế còn hạn chế. "Chúng ta đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát sởi trên thế giới. Các nước có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi lo ngại 2024 sẽ là một năm giống với 2019", bà cho hay.
Năm 2019, số ca mắc sởi tăng mạnh trên toàn thế giới với 869.770 trường hợp, khiến hơn 207.500 người chết, cao nhất trong 23 năm qua.
WHO kêu gọi chính phủ các nước hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em, trong đó biện pháp quan trọng nhất là cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng hai liều vaccine sởi trên 95%.
Sởi là loại virus lan mạnh qua không khí, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Theo WHO, trẻ có thể phòng tránh bệnh bằng cách tiêm hai liều vaccine. Kể từ năm 2000, các chiến dịch tiêm chủng đã ngăn ngừa được 50 triệu ca tử vong.
Thục Linh (Theo Reuters)