WHO báo cáo hai ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính Marburg ở miền nam Ashanti, Ghana, ngày 18/7. Cả hai bệnh nhân đều là nam giới. Người đầu tiên 26 tuổi, nhập viện và tử vong ngày 26/6. Người thứ hai 51 tuổi, qua đời hôm 28/6.
WHO cho biết bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội và khó chịu, kèm theo đau cơ và chuột rút. Hai bệnh nhân ở Ghana có triệu chứng tiêu chảy, sốt, buồn nôn và nôn mửa.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Marburg là loại bệnh sốt xuất huyết hiếm gặp do virus Marburg gây ra, cùng họ với Ebola, có khả năng lây nhiễm cao tương tự. Hiện thế giới chưa có vaccine chống lại căn bệnh này.
Virus Marburg thuộc họ filovirus, độc nhất về mặt di truyền. Theo WHO, tỷ lệ tử vong sau khi mắc bệnh dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và chất lượng điều trị tại cơ sở y tế.
Các quan chức y tế Ghana cho biết họ đang nỗ lực cách ly các ca tiếp xúc gần nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus. Trong khi đó, WHO điều động nguồn lực và cử các chuyên gia đến nước này để kiểm soát và xử lý tình hình.
"Các cơ quan y tế đã phản ứng rất nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này rất tốt, bởi nếu không hành động một cách dứt khoát ngay lập tức, virus Marburg có thể dễ dàng vượt ngoài tầm kiểm soát", tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết.
Marburg có thể đã truyền từ dơi ăn quả châu Phi sang những người làm việc lâu dài trong các hầm mỏ, hang động. Đây không phải mầm bệnh lây lan qua không khí. Virus lây nhiễm giữa người với người thông qua dịch thể như máu, nước bọt hoặc nước tiểu. Người thân của bệnh nhân và các nhân viên y tế dễ mắc bệnh nhất. Các thi thể người bệnh vẫn có thể làm lây lan virus trong quá trình chôn cất.
Đây là lần thứ hai các chuyên gia y tế phát hiện virus Marburg. Trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Guinea vào năm ngoái. WHO đã khoanh vùng được hơn 90 ca tiếp xúc gần, bao gồm nhân viên y tế và bạn bè, người thân bệnh nhân.
Thục Linh (Theo Washington Post)