Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ trích vòng xoay "thiển cận nguy hiểm" khi các nước chỉ chi tiền xử lý các đợt dịch nhưng không làm gì để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo trong video đánh dấu năm đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc tế Phòng Dịch 27/12. Ông cho rằng đã đến lúc thế giới cần phải rút ra những bài học từ Covid-19.
"Lâu nay thế giới vận hành theo một vòng xoay hoảng hoạn và thờ ơ", ông nói. "Chúng ta ném tiền vào một đợt bùng dịch và khi hết dịch, chúng ta lại quên đi mà không làm gì để ngăn chặn lần tiếp theo. Đây là một cách làm thiển cận đầy nguy hiểm, nói thẳng ra là cực kỳ khó hiểu".
Báo cáo thường niên đầu tiên của Ủy ban Giám sát Phòng bị Toàn cầu về mức độ sẵn sàng của thế giới với các tình huống y tế khẩn cấp hồi tháng 9/2019, vài tháng trước khi Covid-19 bùng phát, cho thấy toàn cầu không được dự phòng cho các đại dịch có khả năng tàn phá lớn.
"Lịch sử cho chúng ta biết rằng đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng và dịch bệnh là thực tế cuộc sống", Tedros nói. "Đại dịch đã làm nổi bật mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người với động vật và hành tinh. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải thiện sức khỏe con người đều sẽ thất bại, trừ khi giải quyết được mối liên hệ quan trọng giữa con người và động vật, cũng như mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu đang khiến trái đất của chúng ta trở thành nơi ít điều kiện sống hơn".
Covid-19 đã khiến ít nhất 1,75 triệu người chết trong hơn 80 triệu người nhiễm kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
"Trong 12 tháng qua, thế giới của chúng ta bị đảo lộn. Tác động của đại dịch vượt xa bản thân nó, gây ra những hậu quả sâu rộng với xã hội và kinh tế", Tedros nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 không hề bất ngờ, bởi nó đã được cảnh báo trước nhiều lần. "Tất cả chúng ta phải học được bài học mà đại dịch đang dạy cho chúng ta", ông nói.
Tedros cho rằng tất cả các quốc gia phải đầu tư vào y tế dự phòng, phát hiện và giảm thiểu các trường hợp khẩn cấp, đồng thời kêu gọi xây dựng cơ sở y tế dự phòng vững chắc hơn.
Người đứng đầu WHO cho rằng đầu tư vào sức khỏe cộng đồng, "chúng ta có thể đảm bảo con cháu được thừa hưởng một thế hệ an toàn hơn, có sức bật tốt hơn và bền vững hơn".
Ngày Quốc tế Phòng Dịch được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, sẵn sàng và hợp tác trong giải quyết dịch bệnh.
Hồng Hạnh (Theo AFP)