Dự thảo cuối cùng báo cáo kết quả nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 được truyền thông đăng tải hôm 29/3. Các chuyên gia kết luận rất có thể nCoV lần đầu lây truyền từ dơi sang người thông qua động vật trung gian. Tài liệu dài 319 trang, được chia sẻ với các nước thành viên trước ngày công bố chính thức.
Báo cáo này cho thấy sự nỗ lực của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc nhằm tìm ra nguồn gốc của đại dịch đã giết chết 2,8 triệu người. Câu trả lời có thể đáp ứng yêu cầu cơ bản là tìm hiểu về cách virus xuất hiện, giúp ngăn chặn đại dịch khác trong tương lai. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết WHO còn bỏ ngỏ một số câu hỏi quan trọng.
"Tôi không nghĩ rằng công chúng toàn cầu có thể tin tưởng vào báo cáo này vì sự thiếu minh bạch dữ liệu từ Trung Quốc cũng như mối quan hệ chặt chẽ mà nhóm nghiên cứu có với nước này", Larry Gostin, giáo sư về luật sức khỏe tại Đại học Georgetown, nhận định.
Báo cáo ghi nhận các trường hợp dương tính sớm nhất, vào ngày 8/12, không có bất cứ mối liên hệ nào với chợ hải sản Hoa Nam. Song chuyên gia cũng cho rằng các ca nhiễm không triệu chứng đã bị bỏ qua. Do đó, các nhà khoa học không thể kết luận chắc chắn về vai trò của khu chợ trong cụm dịch Vũ Hán.
Báo cáo khuyến nghị xem xét kỹ hơn việc nhà chức trách Trung Quốc xác định chỉ có 92 ca Covid-19 ban đầu, trong số hơn 76.000 bệnh nhân có triệu chứng hô hấp từ tháng 10-11/2019. Song sau đó, các nhà khoa học loại trừ khả năng này, kết luận nCoV không thể lây truyền trước tháng 12.
Phái đoàn WHO một lần nữa khẳng định rất có thể virus truyền từ động vật, như dơi hoặc tê tê, sang vật chủ trung gian không xác định, sau đó sang người. Tuy nhiên đến nay, con đường lây nhiễm cụ thể vẫn là một bí ẩn. Các nhà khoa học khuyến nghị tiến hành nghiên cứu bổ sung về các động vật dễ nhiễm nCoV khác, chẳng hạn mèo và chồn.
Phái đoàn WHO kêu gọi xét nghiệm kháng thể ngân hàng máu tại Vũ Hán và những khu vực khác ở Trung Quốc kể từ tháng 9/2019. Mặt khác, họ cũng đề nghị xem xét dữ liệu về bệnh hô hấp từ các phòng khám tại nơi tổ chức Thế vận Hội Quân sự vào tháng 10/2019. Giới chức Trung Quốc trước đó cho rằng phái đoàn Mỹ tham gia sự kiện đã mang virus vào Vũ Hán. Washington phủ nhận điều này. Phụ lục trong báo cáo của WHO cũng ghi rõ "không có dấu hiệu của Covid-19 tại các phòng khám quân sự".
Theo các nhà khoa học, chuyến đi tới Viện virus Vũ Hán kéo dài vài giờ. Họ được tham quan cơ sở, nghe về giao thức an toàn sinh học nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm, được thông báo các đồng nghiệp tại đây không làm việc cùng những loại virus gần với nCoV.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau chuyến đi, chuyên gia virus Marion Koopmans, thành viên phái đoàn WHO, cho biết các nhà nghiên cứu tại Viện virus Vũ Hán đã bị ốm hồi mùa thu 2019. Song bà cũng bác bỏ thuyết âm mưu nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Báo cáo cuối cùng khẳng định các nhà nghiên cứu tại đây không liên quan đến Covid-19, nhưng không đi sâu phân tích chi tiết dữ liệu.
Tại Trung Quốc, nhóm chuyên gia có ít quyền tiếp cận và điều tra một cách kỹ lưỡng. Ban đầu, nước này giới hạn nghiêm ngặt, đảm bảo quyền quyết định đối với các bên tham gia và mở rộng phạm vi nghiên cứu sang những nước khác. Cuộc điều tra cũng đi sâu vào vấn đề nhạy cảm là virus đã lây lan ở Trung Quốc trong bao lâu trước khi nước này báo cáo đầy đủ với WHO. Tổ chức bị kẹt giữa Bắc Kinh - nơi các quan chức cho rằng Covid-19 xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc và Washington - nơi chính quyền Biden đặt câu hỏi về sự minh bạch và tính toàn vẹn của dữ liệu.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền nước này sẽ không bình luận thêm về bản báo cáo trong thời gian nó được 20 chuyên gia từ các cơ quan khác nhau đánh giá.
"Chúng tôi đã nói rõ rằng cần thêm một cuộc điều tra độc lập, đúng đắn về mặt kỹ thuật", bà nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bảo vệ các luận điểm của báo cáo. "Khi nào thì các chuyên gia WHO được mời đến Mỹ để thăm dò nguồn gốc virus, khi nào họ được vào phòng thí nghiệm quân sự Mỹ", ông đặt câu hỏi. Ông khẳng định giới chức Trung Quốc đã cung cấp toàn bộ dữ liệu quan trọng cho phái đoàn WHO.
Robert Garry, chuyên gia virus tại Trường Y Đại học Tulane, nhận định báo cáo xuất sắc trong việc xác định hướng nghiên cứu trong tương lai. "Bất cứ ai nghĩ rằng nó sơ sài sẽ phải thất vọng", ông nói.
Thục Linh (Theo WSJ, Washington Post)