Với phương thức này, toàn bộ thông tin trao đổi, tập tin đính kèm hay các cuộc gọi thông qua WhatsApp đều được bảo vệ. Mã hóa đầu cuối cho phép người nhận biết được thông tin được gửi là gì, nhưng ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ như chính WhatsApp cũng không thể truy cập vào.
"Từ hôm nay, người dùng sẽ thấy một thông báo trong màn hình trò chuyện cá nhân hay nhóm chat, cho biết mã hóa đầu cuối được kích hoạt". đại diện WhatsApp viết trên blog. "Ngoài ra, tình trạng mã hóa của bất kỳ cuộc trò chuyện nào cũng có thể xem trên màn hình tùy chọn của cuộc hội thoại đó".
Việc áp dụng mã hóa đầu cuối của WhatsApp được đẩy mạnh sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Apple đã phải lôi nhau ra tòa trong vụ bẻ khóa chiếc iPhone của kẻ khủng bố. Thời điểm xảy ra vụ tranh luận này, nhà đồng sáng lập WhatsApp, Jan Koun, thể hiện sự ngưỡng mộ và ủng hộ Apple khi hãng đứng ra bảo vệ dữ liệu người dùng. Ứng dụng nhắn tin này cũng được tiết lộ sẽ là mục tiêu tiếp theo của tòa án, yêu cầu hỗ trợ truy cập vào các thông tin trên đó.
Báo cáo cho biết, đội ngũ gồm 15 kỹ sư của công ty đã tham gia vào việc đưa công nghệ mã hóa đầu cuối đến với tất cả người dùng. Dự án này được WhatsApp triển khai từ năm 2014, song vấn đề tương thích đa nền tảng đã khiến việc phổ cập cho toàn bộ thành viên bị chậm trễ.