Thứ hai, 23/4/2018, 12:00 (GMT+7)

Wenger và con đường di sản ở Arsenal

Sự suy thoái trong giai đoạn cuối không thể làm mờ đi những công lao của HLV người Pháp trong 22 năm dẫn dắt "Pháo Thủ".

Năm 1996, thế giới có gì? Ở Mỹ, Bill Clinton vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Những bản hits đình đám nhất của âm nhạc thế giới khi ấy là "Because You Loved Me", "Un-Break My Heart" rồi "Macarena". Phim ăn khách bậc nhất thì có "Independence Day" hay "Mission: Impossible". Phương tiện liên lạc quen thuộc là điện thoại bàn, xa xỉ hơn chút thì có máy nhắn tin. Ở Việt Nam, những cô cậu nhóc lứa đầu 9x bắt đầu cắp sách tới trường để vào lớp 1.

22 năm sau, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Nhà Clinton đã có thêm một người chạy đua vào Nhà Trắng và thất bại. Thời đại MTV là nơi nhanh nhất để cập nhật âm nhạc đã qua, thay vào đó là Youtube, Itunes, Spotify... với sự lên ngôi của những Drake, Ed Sheeran hay Justin Bieber. "Independence Day" đã có phần hai thất bại thảm hại, trong khi Tom Cruise đang chuẩn bị tung ra "Mission: Impossible" phần thứ... sáu. Với những thông tin kể trên, chúng ta đều có thể dễ dàng tra được qua smartphone cá nhân - thứ đã khiến máy nhắn tin, điện thoại bàn trở thành những phương tiện liên lạc từ thời xa lắc xa lơ.

Những cô cậu học sinh lớp 1 ở Việt Nam ngày nào bây giờ đã thành người lớn, có nhiều người còn kịp lập gia đình. 22 năm có thể khiến thời thế biến chuyển tới chóng mặt và đủ để cả một thế hệ trưởng thành. Nhưng suốt 22 năm ấy, có một vị trí của một con người vẫn bất biến. Ấy là Arsene Wenger ở vị trí HLV trưởng của Arsenal.

Ngày 1/10/1996, Arsene Wenger nhậm chức HLV trưởng của Arsenal. Ngày Wenger mới tới đội bóng thành London, hậu vệ Lee Dixon liên tưởng ngay tới một... thầy giáo địa lý. Gọi Wenger là "Thầy Giáo" hay sau này như báo giới vẫn gọi là "Giáo Sư" cũng chẳng hề sai, bởi sự uyên bác của ông.

HLV này sở hữu bằng Master Kinh tế của đại học Strasbourg, có thể nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italy, và một chút tiếng Nhật. Ngày nhà văn chuyên viết tiểu sử Xavier Rivoire được mời tới nhà riêng của Wenger, ông đã phải ngạc nhiên trước bộ sưu tập sách đồ sộ của chiến lược gia người Pháp, với đủ thứ sách từ lịch sử, chính trị, thể thao cho tới cả tôn giáo...

Những mỹ từ mà báo giới Anh lẫn quốc tế dành cho đội bóng của Man City của Pep Guardiola mùa giải này như "Đẹp mắt", "Tốc độ", "Cách mạng"... cũng từng được dùng để mô tả Arsenal thời kỳ đầu của Wenger. Ngày Wenger mới tới, ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng hãy còn là khái niệm rất mới mẻ trong bóng đá Anh. Người hâm mộ quá quen với việc các cầu thủ xả hơi tại những quầy bar, và bản thân trung vệ Arsenal - Tony Adams còn từng ra sân khi người vẫn lâng lâng do men rượu. 

Đang quen với sự kỷ luật và lành mạnh trong lối sống ở Nhật Bản, Wenger bị sốc trước văn hóa sinh hoạt tại CLB mới. Ông đã thay đổi thói quen bừa bãi của các cầu thủ bằng cách cấm họ động tới rượu bia sát ngày thi đấu. Ông cũng là người tiên phong trong việc áp dụng các chế độ ăn uống khoa học cho cầu thủ, thứ mà ngày nay người ta dễ dàng thấy ở bất cứ CLB nào tại Anh. Nhưng đó không phải dấu ấn duy nhất khiến Wenger được xem như một nhà cách mạng, bởi ông đã góp phần thay đổi một nền bóng đá Anh vốn chỉ quen với cách chơi "Kick and Rush". Dưới bàn tay nhào nặn của Wenger, Arsenal bắt đầu trình làng thứ bóng đá "thêu hoa dệt gấm" với những pha phối hợp cự li ngắn, ban bật giàu chất kỹ thuật.

*Những cột mốc lịch sử của Wenger ở Arsenal

Những cột mộc lịch sử của HLV Arsène Wenger tại Arsenal
 
 

Giai đoạn cuối những năm 1990 đầu 2000, ba CLB Anh được hâm mộ nhiều nhất trên bình diện toàn cầu là Man Utd, Liverpool và Arsenal. Thời điểm ấy, Man Utd là đội bóng thành công nhất, Liverpool có truyền thống hào hùng nhất, còn Arsenal được xem là có lối chơi duy mỹ nhất. Chỉ từ khi Wenger đặt chân tới sân Highbury, khái niệm bóng đá đẹp mới bắt đầu trở thành "bộ nhận dạng thương hiệu" của Arsenal. Huyền thoại Brian Clough từng đúc kết: "Tôi mơ được vuốt ve người đẹp Marilyn Monroe như cái cách mà Arsenal 'vuốt ve' trái bóng!"

Wenger từng chia sẻ về phong cách bóng đá của ông với Independent: "Tôi tin rằng một câu lạc bộ lớn phải có tham vọng giành chiến thắng với phong cách riêng. Những đội bóng mạnh nhất thế giới, từ Brazil ở cấp ĐTQG hay Barca ở cấp CLB đều chơi thứ bóng đá đẹp. Có một câu nói nổi tiếng, đại ý rằng cách duy nhất để thành công trong cuộc sống là hãy biến từng phút cuộc đời của mình thành nghệ thuật. Bóng đá cũng là một thứ nghệ thuật - như thể khiêu vũ vậy - nhưng chỉ trong trường hợp bạn chơi bóng giỏi tới mức biến nó thành nghệ thuật. Cùng là vẽ đấy, nhưng nếu tôi vẽ thì không thể gọi là nghệ thuật được. Nếu bạn xem vợ tôi vẽ tranh, ấy mới là nghệ thuật đích thực."

Những ai không tin bóng đá có thể trở thành một thứ nghệ thuật, chỉ cần xem lại hai bàn thắng nổi tiếng nhất của Arsenal thời Wenger. Đầu tiên là một màn trình diễn bậc thầy của Dennis Bergkamp trước Newcastle năm 2002. Nhận bóng từ Robert Pires trong tư thế quay lưng, Bergkamp khéo léo chạm trái bóng bằng chân trái với lực vừa đủ để nó bật ra đằng sau trước khi khống chế và đưa bóng vào lưới bằng chân phải.

Siêu phẩm ghi bàn của Dennis Bergkamp vào lưới Newcastle.

Hay như bàn thắng nổi tiếng của Jack Wilshere vào lưới Norwich năm 2013. Xuất phát từ tình huống tấn phản công, Santi Cazorla đập nhả một hai với Olivier Giroud trước khi tiền đạo người Pháp và Jack Wilshere có liên tiếp những pha chuyền bóng ngẫu hứng bằng gót chân cho nhau như thể đang đá cầu mây. Khoảnh khắc Wilshere ghi bàn sau đường kiến tạo vỉa má ngoài của Giroud được Wenger ngợi ca là: "Một trong những bàn thắng đẹp nhất trong sự nghiệp cầm quân của tôi".

Cả hai pha ghi bàn của Bergkamp và Wilshere, dẫu khác nhau về cách thực hiện, đều có thể được xem là một thứ nghệ thuật. Ngay cả những người không hiểu gì nhiều về bóng đá cũng có thể "cảm" được cái đẹp từ những pha ghi bàn ấy. Nếu bóng đá có một viện bảo tàng để trưng bày những bàn thắng đẹp, bàn thắng của Wilshere hay Bergkamp sẽ có những vị trí trang trọng như bức Mona Lisa trong bảo tàng Lourve. Và đó chính là thứ mà Wenger hằng tìm kiếm: một thứ bóng đá không chỉ mang về chiến thắng, mà còn phải đẹp, phải duy mỹ. Bóng đá không đơn thuần là một thứ để giải trí, ấy còn là một triết lý sống, là một thứ nghệ thuật.

"Tôi tin rằng kim chỉ nam của mọi thứ trên đời này quy lại đều là có thể làm một thứ gì đó xuất chúng tới mức nó trở thành một thứ nghệ thuật", Wenger nói. "Như khi bạn đọc một cuốn sách hay, tác giả chạm vào cảm xúc mà chính bạn cũng không thể tự mình đánh thức được. Cây viết ấy giúp bạn nhận ra một điều gì đó trong bạn mà ngay cả bản thân bạn cũng không hề biết về sự tồn tại của nó... Bóng đá cũng như vậy. Khi tôi xem Barca chơi bóng, đấy chính là chân nghệ thuật!".

Wenger không có cho riêng ông một Lionel Messi để giúp Arsenal chơi thứ bóng đá tuyệt hạng như Barca thời đỉnh cao. Nhưng có lẽ là nếu may mắn có được Messi, ông cũng sẽ phải ngậm ngùi bán đi người học trò tới những đội bóng lắm tiền nhiều của khác. Xuyên suốt thời gian dẫn dắt Arsenal, Wenger từng có trong tay không ít nhân tài, từ thế hệ của Thierry Henry, Dennis Bergkamp, Patrick Viera... cho tới những Van Persie, Cesc Fabregas, Samir Nasri, Alexis Sanchez sau này. Nhưng đa phần, các tài năng của Arsenal đều ra đi tới những chân trời mới, vì nhiều lý do khác nhau. Phần lớn trong số họ muốn tìm kiếm những danh hiệu, vinh quang ở đội bóng mới với các đồng đội đẳng cấp cao, hay thứ thù lao kếch xù mà Arsenal không thể đáp ứng.

Rất nhiều cầu thủ đã bước lên hàng ngũ siêu sao nhờ sự dìu dắt của Wenger ở Arsenal, rồi rời đi. 

Arsenal không phải là không có tiền, nhưng với Wenger, mục tiêu của ông là "giúp các cầu thủ có thu nhập tối đa trong giới hạn tài chính quy định của câu lạc bộ". Ông không chỉ đơn thuần làm công tác huấn luyện mà còn có tiếng nói trong cả việc chuyển nhượng, chính sách phát triển của câu lạc bộ. Khi Arsenal lên kế hoạch xây sân vận động mới trị giá 658 triệu đôla, Wenger quyết tâm sẽ tập trung vào phát triển các cầu thủ trẻ thay vì vung tiền mua về những ngôi sao với đẳng cấp đã được khẳng định.

Ông bộc bạch: "Cách tốt nhất để tạo ra danh tính với phong cách chơi bóng của chúng tôi là gắn các cầu thủ với văn hóa, với đức tin và giá trị của câu lac bộ. Tôi cảm thấy sẽ rất thú vị khi chứng kiến những cầu thủ lớn lên cùng nhau với những giá trị trên và dành tình yêu lớn lao cho đội bóng. Đó là một viễn cảnh lý tưởng của bóng đá".

Giữa thời đại mà kết quả luôn được đặt lên hàng đầu, những HLV chỉ cần thất bại dăm ba trận là sẽ thấy danh sách ứng cử viên thay mình... Wenger vẫn kiên định với con đường của ông. Wenger trăn trở làm sao để có thể thắng - và phải thắng đẹp. Khi được hỏi về việc liệu có bao giờ nghĩ tới chuyện "dựng xe buýt" trước khung thành, ông tuyên bố thẳng thừng: "Tôi không biết ai nghĩ ra thuật ngữ trên, nhưng nó chẳng hề liên quan tới bóng đá".

Ông đề cao những thứ như bóng đá vị nghệ thuật, tình yêu cho câu lạc bộ... kể cả khi dần bị bỏ xa bởi những hậu bối. Đối thủ cùng thời với ông là Sir Alex Ferguson đã giải nghệ trên đỉnh cao, vui thú điền viên từ năm năm trước. Giữa một thế giới đề cao kết quả và sự thực dụng, Wenger như kẻ lãng mạn cuối cùng.

Đôi lúc, hành trình quan trọng hơn cả đích đến

Đỉnh cao trong sự nghiệp cầm quân của Arsene Wenger ắt hẳn là "The Invincibles" (Đội hình bất khả chiến bại) mùa giải 2003-2004. Khi ấy, Arsenal làm nên lịch sử khi giành chức vô địch Ngoại hạng Anh mà không thua trận nào. Trên sân tập Arsenal, một hàng chữ được in đậm trên tường: "WWWWDDWWWDWWWDDWDWWDWWWWWWWWWDWDWDDDWW". Trong đó W (viết tắt của Win - Thắng; D viết tắt Draw - Hòa) đại diện cho mùa giải bất bại không có lấy một chữ "L" (Lost - Thua) nào.

Đội hình Arsenal của Wenger vô địch Ngoại hạng Anh với thành tích bất bại mùa 2003-2004.

Vào cuối mùa 2003-2004 ấy, có lẽ chẳng ai ngờ rằng, đó sẽ là chức vô địch Ngoại hạng Anh cuối cùng của Arsenal dưới triều đại Wenger. Dù Man Utd vẫn luôn là một đội bóng lớn, hay Chelsea là đại gia mới nổi nhờ sự đầu tư của ông chủ mới Roman Abramovich, ít ai dám tin Arsenal sẽ chẳng thể đăng quang ngôi vương bóng đá Anh thêm lần nào nữa, khi họ vẫn còn đó Wenger cùng một dàn cầu thủ chất lượng.

Nhưng điều khó tin ấy lại xảy ra. Kể từ sau chiếc Cup FA 2005, CĐV Arsenal phải chờ thêm chín năm ròng để lại một lần nữa chứng kiến đội bóng con cưng, cũng chính tại Cup FA. Chín năm, chính xác hơn là 3.283 ngày và 512 trận đấu! Trong thời gian đấy, rất nhiều viên ngọc thô tới Arsenal và rời đi với tư cách một ngôi sao, để lại "ông giáo" Wenger ngồi cặm cụi xây dựng lại từ đầu. Chín năm ấy, từ một ứng cử viên vô địch hàng đầu, Arsenal dần tụt lại phía sau khi những đối thủ cũ vẫn duy trì được sức mạnh, trong khi các thế lực mới như Man City hay Tottenham dần vươn lên với sự quyết tâm và đầu tư lớn lao.

Từ một người tiên phong, một HLV ngoại quốc đầu tiên đoạt cú đúp trong lịch sử nước Anh, Wenger dần thấy ông trở thành "người muôn năm cũ". Sau thành công của Wenger, một làn sóng các HLV tài năng nước ngoài đặt chân tới xứ sở sương mù. Những Jose Mourinho, Pep Guardiola, Antonio Conte hay Claudio Ranieri... đều đã tới và đưa đội bóng của họ lên ngôi vô địch trong sự bất lực của Wenger. Về mặt chiến thuật, ngay cả Jose Mourinho - "Người Đặc Biệt" từng xưng hùng xưng bá trước Wenger cách đây hơn một thập niên - bây giờ còn bị xem là cũ kỹ, lạc hậu trước Pep Guardiola. Nên không ngạc nhiên khi chính Wenger bây giờ lại ngậm ngùi chạy theo sau các hậu bối.

Theo thời gian, Wenger dần trở nên lạc hậu với thời cuộc, trước những hậu bối mang tư tưởng cách tân nhiều hơn và chịu khó chi tiền mua sắm hơn.

Những biểu ngữ, hashtag #WengerOut (Wenger hãy ra đi) xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ trên mạng xã hội hay sân Emirates, mà cả những sự kiện chẳng liên quan gì tới bóng đá. CĐV Arsenal như chia thành hai nửa. Một bên vẫn giữ niềm tin vào Wenger, và cho rằng ông xứng đáng được tôn trọng vì những cống hiến cho câu lạc bộ. Nửa còn lại thì đã phát ngấy với việc từ ứng cử viên vô địch trở thành những kẻ hài lòng với một vị trí trong top 4. Họ muốn được thấy một sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo, kể cả khi đã tận mắt chứng kiến Man Utd đã khốn đốn đến thế nào khi Sir Alex lui vào hậu trường.

Wenger không phải không biết những điều đó, bởi ông là người day dứt nhất khi không thể đem lại niềm vui cho người hâm mộ. Khi còn làm việc ở Pháp thời trẻ, Wenger thậm chí còn phát bệnh nếu đội nhà thua cuộc. Ông từng tâm sự: "Khi bạn là huấn luyện của Arsenal và thất bại trong một trận đấu, bạn lái xe về nhà với tâm trạng bỏ đi. Thế rồi bạn nghĩ tới cảm giác của những gia đình CĐV đang chết lặng trong ngày cuối tuần chỉ vì trận thua ấy. Và suy nghĩ ấy đem lại cho bạn một thứ trọng trách nặng nề". Với Wenger, nỗi đau đớn nhất là khi phải trả lời sau thất bại, bởi người hỏi sẽ chẳng đếm xỉa gì tới những nỗ lực mà đội bóng của ông đã thể hiện.

Thế rồi, khi Wenger đưa lời tuyên bố sẽ chia tay Arsenal cuối mùa giải này, như một cách rũ bỏ những nỗi đau và trách nhiệm nặng nề mà ông đã ôm theo gần 22 năm qua, những lời ngợi ca, tri ân ông lại tuôn không dứt. Trang web bán vé xem Arsenal ngưng hoạt động do lượng người đặt vé tăng đột biến, dẫu rằng trước đó sân Emirates ngày càng thưa thớt người xem. Nhiều khán giả từ khi hâm mộ Arsenal đã thấy Wenger ở đó, giờ bắt đầu phải làm quen với suy nghĩ rằng từ mùa sau, HLV với cái mũi khoằm, gương mặt khắc khổ ấy sẽ không còn hiện diện trong cabin đội bóng.

Những đóng góp của Wenger cho Arsenal trong 22 năm gắn bó. Đồ họa: Việt Chung - Nhật Tảo.

Mỗi trận đấu còn lại của Wenger tại Arsenal, bây giờ đều là một cơ hội để người hâm mộ được thấy chứng nhân sống của lịch sử Arsenal. Thời gian trắng tay dài ở Ngoại hạng Anh cũng chẳng thể xóa mờ đi sự thực rằng Wenger là huấn luyện viên giàu thành tích nhất lịch sử Arsenal. Ông không chỉ mang về cho Arsenal 17 danh hiệu (trong đó có ba Ngoại hạng Anh, bảy Cup FA) mà còn một khoản tiền kếch xù nhờ các thương vụ chuyển nhượng. Và trên tất cả, Wenger đã cùng Ferguson góp phần thay đổi nền bóng đá Anh, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Những di sản như Wenger để lại càng thêm quý giá trong thời đại một HLV trụ được ở một câu lạc bộ được trên ba mùa giải đã là của hiếm.

Vậy Wenger sẽ làm gì sau khi chia tay Arsenal? Câu trả lời này, có lẽ chính ông cũng chưa chắc đã biết. Cuộc đời của ông đã gắn liền trái bóng, từ khi còn là một đứa trẻ học ngôn ngữ qua những cuộc trò chuyện của người cha làm nghề HLV bóng đá. Wenger khẳng định ông "xem bóng đá từ thuở chưa biết đi, những từ ngữ đầu đời ông nghe cũng liên quan bóng đá". Mọi công việc ông từng làm tại những mảnh đất từ Đức, Pháp, Nhật cho tới Anh đều liên quan tới bóng đá. Cuộc đời của Wenger ngoài bóng đá nhàm chán tới mức cựu phó Chủ tịch David Dein của Arsenal từng đùa rằng: "Ai muốn mua xe cũ chất lượng tốt hãy tìm tới Wenger, vì xe của ông ấy chẳng đi đâu cả ngoài đi từ nhà tới sân tập và sân vận động của đội bóng".

Wenger dành cả đời ông cho bóng đá và rất lo ngại sẽ không được vui thú điền viên một khi rửa tay gác kiếm như người bạn già Ferguson. 

Câu chuyện ưa thích của Wenger mà ông kể với tờ Independent nói lên nhiều về chính ông: "Một nghệ sĩ piano trẻ tới nghe một nghệ sĩ bậc thầy biểu diễn. Sau buổi biểu diễn, anh chàng tới gặp nghệ sĩ kia và thán phục: 'Tôi sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời mình để chơi được hay như ngài'. Nghệ sĩ dương cầm kia đáp lại: 'Đánh đổi đời mình chính là thứ ta đã làm để có được ngày hôm nay."

Wenger đã dành cả cuộc đời cho tình yêu với công việc, giống như nghệ sĩ bậc thầy ấy. Và vì cả cuộc đời ông xoay quanh bóng đá nên nhà cầm quân người Pháp rất sợ việc phải sống thiếu nó. Ông từng chia sẻ về nỗi sợ này với tờ L'Équipe: "Tôi không phải Ferguson, người còn có những đam mê khác như ngựa hay rượu vang. Tôi từng hỏi ông ấy cách đây không lâu rằng: 'Alex này, ông có nhớ bóng đá không?'. Ông ấy trả lời rằng 'Tôi chẳng nhớ chút nào', khiến tôi vừa thất vọng lại vừa hy vọng. Tôi không có những đam mê khác để thay thế cho bóng đá. Tôi không thể viết sách về những việc đã qua. Tôi không thể chịu nổi cảnh các học trò cũ của mình chật vật với hiện tại khi không còn bóng đá. Tôi sợ người ta gọi họ là cựu cầu thủ, cũng như sau này người ta sẽ gọi tôi là cựu HLV. Tôi muốn sau này khi nghỉ hưu, người ta sẽ không gọi tôi như thế. Tôi phải tìm một cái gì đó để thấy mình hữu dụng, dạy bọn trẻ đá bóng chẳng hạn."

Ngày thông tin Wenger sẽ rời Arsenal được công bố, Ferguson đã gửi những lời tri ân đối thủ cũ trên trang chủ của Man Utd. Huyền thoại người Scotland cho biết: "Việc dành 22 năm cuộc đời cho một công việc cho thấy tình yêu, tài năng, sự chuyên nghiệp và quyết tâm của Wenger. Không ai có thể nghi ngờ được việc ông ấy là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất lịch sử Ngoại hạng Anh. Tôi tự hào khi được là một đối thủ, một đồng nghiệp và một người bạn của người đàn ông vĩ đại ấy".

Những lời nói của Sir Alex như một động thái "anh hùng trọng anh hùng". Mùa giải cuối cùng của Ferguson tại Old Trafford, lời chia tay chỉ được nói khi Man Utd đã chính thức đăng quang Ngoại hạng Anh. Còn trường hợp của Wenger thì rất khác. Arsenal còn tối đa bảy trận đấu (trong trường hợp họ lọt vào chung kết Europa League), và đã không còn hy vọng lọt vào top 4 Ngoại hạng Anh.

Nếu Wenger có thể giúp Arsenal vô địch Europa League và qua đó lọt vào Champions League mùa sau, đó sẽ là một cái kết viên mãn cho cuộc tình Arsene - Arsenal. Nhưng ngay cả nếu khả năng đó không xảy ra, cuộc chia tay sẽ nặng nề hơn, và Wenger vẫn sẽ làm được điều ông từng nói trên L'Équipe: "Nhưng niềm tự hào lớn nhất của tôi là một ngày nào đó khi rời Arsenal, tôi sẽ để lại một đội ngũ mạnh, một CLB có sức mạnh tài chính tốt và đủ khả năng chinh phục trong tương lai. Với tôi, sự ổn định luôn là dấu hiệu của một đội bóng vĩ đại".

Trước khi Wenger tới Arsenal, đội bóng này vẫn bị chế nhạo là "Boring, boring Arsenal" (Arsenal nhàm chán). Wenger đã giúp thay đổi định kiến trên và mở đường cho một thế hệ những HLV ngoại thành công tại Anh. Những ngày cuối của ông tại sân Emirates, những biểu ngữ "Wenger Out" đang dần được thay thế bởi "Merci Wenger" (Cảm ơn Wenger). Vì những cống hiến của Wenger cho Arsenal trong suốt 22 năm, vì luôn lãng mạn tin vào cái đẹp dẫu có lúc bị xem là "lạc hậu", "ngây thơ" hay thậm chí là "chuyên gia thất bại" như lời chế giễu của Mourinho. 

Và vì đã góp phần biến bóng đá thành một thứ nghệ thuật, tại đội bóng mà hai cái tên như một sự lương duyên của số phận: Arsene - Arsenal.

Thịnh Joey