Thông tin do ông Kyriakos Triantafyllidis, Giám đốc Chiến lược và tăng trưởng, Trung tâm Chuỗi cung ứng và sản xuất tiên tiến WEF nêu tại hội thảo "Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP HCM (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững". Chương trình diễn ra vào 7h30 ngày 25/4, tại tòa nhà Galaxy Innovation Hub, TP HCM. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 lãnh đạo từ UBND TP HCM, WEF, doanh nghiệp, cùng bàn thảo về mô hình C4IR cũng như giải pháp thúc đẩy nền kinh tế.
Theo ông Kyriakos Triantafyllidis, lĩnh vực sản xuất toàn cầu đang có nhiều chuyển dịch, ảnh hưởng bởi công nghệ mới, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị. Để ứng phó, chuỗi giá trị toàn cầu dần tái cấu trúc, thúc đẩy bởi năm xu hướng: chuỗi giá trị kết nối toàn cầu - bản địa hóa; kỹ thuật số trong hoạt động đầu cuối; kinh tế thiết lập trên kỹ năng; tính bền vững; định hướng theo giá trị khách hàng.
Bối cảnh này mang đến cho TP HCM lợi thế khi các nền kinh tế lớn xây dựng khả năng tự chủ bằng cách củng cố hệ sinh thái sản xuất trong nước. Đi kèm là nguồn năng lượng xanh sẵn có, ổn định; các chính sách do Chính phủ xây dựng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đồng ý với nhận xét này, bà Manju George, Trưởng ban Tác động và Tích hợp chiến lược Mạng lưới C4IR và Gắn kết đối tác WEF cho rằng Việt Nam có nhiều lĩnh vực tiềm năng cần khám phá như sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh.
"Ngành sản xuất đóng góp vào khoảng 20% GDP của Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính của Chính phủ là nâng tỷ lệ này lên 30% trong những năm tới, có nghĩa công nghiệp sản xuất đóng vai vai trò rất quan trọng với nền kinh tế", bà Manju George nói.
Tuy vậy lãnh đạo WEF đánh giá, trong quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang công nghệ cao, thách thức nhất đến từ chuyên môn, kỹ năng. Hiện có một số đơn vị hợp tác cùng trường đại học, khu vực tư nhân để thế hệ sinh viên phát triển kỹ năng phù hợp. Điều quan trọng nhất là tăng tốc quá trình này, đào tạo nhân lực phù hợp cho tương lai. Ngoài ra, tính cấp thiết hơn là xác định "yếu tố khác biệt" - điều sẽ khiến công ty bán dẫn chọn Việt Nam thay vì một quốc gia khác trong khu vực. Đây chính là giải pháp mà C4IR sẽ triển khai tại Việt Nam - đi sâu để thấu hiểu thị trường, xây dựng nhân lực chất lượng cao, nêu bật nó với thế giới.
Điều này đúc rút từ các bài học thành công tại C4IR Ấn Độ - sử dụng AI để tăng năng suất nông nghiệp cho 7.000 hộ hay C4IR Brazil - ứng dụng IoT để hiện đại hóa hoạt động, tăng 192% lợi tức đầu tư cho hơn 80 doanh nghiệp.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP HCM là đơn vị thứ 14 của WEF trên toàn cầu. Thành lập vào năm 2022 với sự hợp tác của UBND TP HCM cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới, trung tâm dự kiến đi vào hoạt động tháng 9 năm nay. C4IR được WEF coi là "chiến lược toàn diện" thúc đẩy chuyển đổi nền kinh với trọng tâm là khởi nghiệp sáng tạo, SMEs, đầu tư mạo hiểm và ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Mô tả hoạt động của C4IR TP HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết các thành viên sáng lập là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Trong mô hình của WEF, trung tâm có thể tận dụng tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu nhằm đưa ra những kiến nghị các giải pháp, chính sách, sáng kiến phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ.
"C4IR giúp TP HCM và cả nước định hình phát triển chiến lược cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, trung tâm sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng Đông Nam bộ và toàn quốc", ông Hoan đánh giá.
Tiếp nối, trong vai trò thành viên đồng sáng lập C4IR, HDBank nêu nhiều kinh nghiệm trong việc đổi mới sáng tạo, vận thành hệ thống công nghệ theo chuẩn mực quốc tế. Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HDBank cho biết ngân hàng có gần 35 năm hoạt động với hiệu quả hoạt động hàng đầu Việt Nam. Trong 10 năm đổi mới, HDBank đã số hóa toàn diện các hoạt động kinh doanh và vận hành, tăng động lực số cho mục tiêu tăng trưởng.
"Chúng tôi hạnh phúc khi những sáng kiến công nghệ góp phần mang tới những kết quả tích cực cho xã hội", ông Kim Byoungho nhấn mạnh.
Lý giải cho phát biểu này, Chủ tịch ngân hàng dùng câu chuyện của năm 2021. Thời điểm đó, Phó chủ tịch thường trực của ngân hàng HDBank, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo đã đưa ra sáng kiến cùng Tập đoàn Sovico và Tập đoàn FPT giải cứu sự cố nghẽn giao dịch HoSE trong 100 ngày. Hay giai đoạn Covid-19, nhà băng cùng ngành ngân hàng ủng hộ Quỹ vaccine 100 tỷ đồng, thiết kế nền tảng website đóng góp trực tuyến vào Kho bạc nhà nước, tổ chức hòa nhạc trực tuyến quốc tế cùng dàn nhạc giao hưởng TP HCM kêu gọi đóng góp. Qua đó góp phần giúp Quỹ thu hút trên 11.000 tỷ đồng, đóng góp tới 50% chi phí tiêm cho 100 triệu người dân Việt Nam.
Công nghệ còn được đơn vị đưa vào công tác hàng không, xuất nhập cảnh cho khách di chuyển quốc tế sau thời gian giãn cách xã hội. Năm 2020, công ty bảo hiểm HD Insurance thành lập với mô hình kinh doanh số: hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi khách hàng nhận tin kích hoạt, xác nhận thanh toán phí bảo hiểm thay vì cách tiếp cận truyền thống qua hợp đồng giấy. Hay gần đây, tập đoàn hợp tác cùng trung tâm nghiên cứu OCRU thuộc Đại học Oxford để đầu tư một bệnh viện tại TP HCM nghiên cứu ứng dụng AI trong y tế điều trị bệnh nhiệt đới.
Ông Kim Byoungho nói thêm, nơi đang diễn ra hội thảo là tòa nhà Đổi mới sáng tạo - Galaxy innovation Hub (GIH) do HDBank làm chủ đầu tư, thể hiện tầm nhìn của nhà băng trong lĩnh vực công nghệ cao. Với diện tích sàn 35.000 m2, GIH có vai trò cầu nối, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Về hoạt động ngân hàng, HDBank cùng đối tác Thought Machine triển khai giải pháp ngân hàng lõi thế hệ mới trên thế giới (Digital Core Banking). Nhà băng bắt tay nhiều đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như: Amazon Web Services - AWS, Microsoft, Oracle, IBM, HP, Visa, Master để nhanh chóng nắm bắt, tích hợp công nghệ vào hệ thống. Nhờ đó, năm qua khách hàng mới trên kênh số tăng 58% so với cùng kỳ. Tài khoản eBanking tăng 73%, số lượng giao dịch trên eBanking tăng 86%, giao dịch tài chính trên eBanking tăng 132%; số dư tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (VNĐ) tăng 449%. Tỷ lệ giao dịch số trong tổng số giao dịch của khách hàng cá nhân tăng lên 94% từ mức 77% cùng kỳ năm trước.
Theo vị chủ tịch, thời gian tới, với vai trò là thành viên của C4IR, đơn vị tiếp tục ứng dụng và phát triển các dự án công nghệ cao. Cùng với chuyển đổi xanh và tín dụng xanh, HDBank sẽ tăng cường nguồn vốn tài trợ cùng giải pháp tài chính cho doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, kỳ vọng có thêm nhiều kỳ lân vươn tầm trong khu vực lẫn thế giới.
Chương trình khép lại vào lúc 11h30. Trước đó, ông Võ Văn Hoan cùng bà Nguyễn Thị Phương Thảo và các lãnh đạo thành phố, WEF, doanh nghiệp tham quan các gian hàng trưng bày giải pháp công nghệ cao trong khuôn khổ hội thảo.
Minh Tú