Ra mắt vào năm 2011, WeChat và ứng dụng "chị em" trong nước, Weixin, hiện có hơn 1,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để chia sẻ hình ảnh, thanh toán hóa đơn điện nước, đi taxi, nhận tin tức, đặt lịch hẹn với bác sĩ và vô vàn dịch vụ khác.
Vị thế thống trị của WeChat tại Trung Quốc ngày càng trở nên vững chắc khi nhu cầu học tập và làm việc từ xa bùng nổ trong đại dịch. Các công ty và trường học sử dụng WeChat Work, một nền tảng trực tuyến tương tự Zoom được tích hợp với ứng dụng WeChat. Cũng nhờ có đại dịch, mã thanh toán QR WeChat đã được sử dụng hơn 140 tỷ lần.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhờ tới sự giúp đỡ của Tencent và Alibaba để thiết kế các hệ thống truy vết tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Các mã sức khỏe được nhúng trong WeChat và Alipay đã trở thành tấm thẻ thông hành thiết yếu ở hầu như mọi địa điểm tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, những tiện ích này cũng đi kèm với cái giá phải trả. WeChat hiện là một trong những ứng dụng hàng đầu bị các cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm duyệt nội dung. Ngoài việc bị gỡ những nội dung được cho là nhạy cảm, nhiều người cho biết WeChat thường xuyên có chặn các tài khoản thảo luận về các vấn đề như đại dịch hoặc vi phạm nhân quyền. "Tôi đã rất sốc và bối rối", một sinh viên Trung Quốc đang học ở Australia cho biết. Đầu năm nay, tài khoản WeChat của anh bị khóa vì đăng những bình luận chỉ trích cách chính phủ xử lý dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán. Một người khác ở Bắc Kinh cũng cho biết anh đã bị bắt để thẩm vấn sau chỉ trích chính sách đối ngoại của Trung Quốc trên Wechat.
Vấn đề đối với người dùng Trung Quốc là WeChat đã thâm nhập quá sâu vào cuộc sống hàng ngày, đến mức thiếu nó giống thiếu nước hoặc không khí vậy. Zhang Qingfang, một luật sư tại Bắc Kinh, cho biết: "Có rất nhiều chức năng trong WeChat mà chúng tôi không thể thiếu được".
Phẫn nộ vì phải phụ thuộc quá mức vào một ứng dụng duy nhất, đầu năm nay, nhiều người đã bắt đầu tham gia chiến dịch "Free from WeChat" - đồng loạt xóa ứng dụng và chuyển sang các nền tảng khác không bị chính phủ Trung Quốc can thiệp.
Sau khi các thành viên của nhóm này thuyết phục được vài trăm người chuyển qua Telegram, các quan chức an ninh Trung Quốc đã gọi họ đến thẩm vấn. Những người tham gia đã phải kết thúc chiến dịch này vào tháng 3.
Trong năm qua, làn sóng tẩy chay WeChat tại Trung Quốc đã dâng cao hơn bao giờ hết khi có nhiều bằng chứng cho thấy nhà chức trách có thể truy cập và kiểm soát nội dung trên ứng dụng.
Theo Apptopia, lượt tải xuống Telegram và Signal tại Trung Quốc tăng đều đặn trong vài năm qua, mặc dù vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với người dùng của WeChat. Cả Telegram và Signal đều sử dụng phương thức mã hóa đầu cuối nhằm ngăn chặn truy cập nào của bên thứ ba vào liên lạc giữa người gửi và người nhận.
Theo Fergus Ryan, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, WeChat chỉ sử dụng phương thức mã hóa phía máy khách, cho phép Tencent truy cập toàn bộ vào dữ liệu giữa người gửi và người nhận. "Trò chuyện qua WeChat giống việc bạn viết một lá thư và đưa nó cho WeChat vận chuyển. Tuy nhiên, WeChat lại có chìa khóa an toàn để mở lá thư đó. Nếu muốn, họ hoàn toàn mang lá thư này về văn phòng, đọc và biên soạn lại theo ý mình thích, sau đó lại đặt nó vào một hộp khác và vận chuyển đến người nhận", Ryan nói.
Tháng 10 vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump đã lấy lý do này để yêu cầu cấm WeChat khỏi Mỹ, cùng ứng dụng video ngắn TikTok. Tuy nhiên, cả hai lệnh cấm này đều bị phản đối tại tòa án Mỹ và chưa có hiệu lực.
Đăng Thiên (theo WSJ)