“Chắc chắn là chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ thêm cho họ trong vấn đề này”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg.
Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo ước tính của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam có thể tiêu tốn số vốn tương đương từ 7-20% GDP. Mức nợ xấu gia tăng trong các ngân hàng đã gây trở ngại cho tăng trưởng của các doanh nghiệp và tiêu dùng nội địa, đồng thời khiến tăng trưởng kinh tế năm 2012 của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service mới đây ra nhận định rằng, Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt các hậu quả kinh tế bất lợi từ việc hệ thống ngân hàng không thể hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, trừ phi Việt Nam thực thi các biện pháp để giải quyết mức nợ xấu cao.
Theo bà Kwakwa, bất kỳ khoản vay mới nào từ WB dành cho Việt Nam sẽ là sự bổ sung cho các kế hoạch cho vay hiện có, và khoản vay đó sẽ không nhỏ hơn những khoản vay điển hình mà WB vẫn thường cấp ở mức hàng trăm triệu USD. "Nhưng chúng tôi không nhất thiết phải đưa ra tất cả mọi thứ. Đó có thể là nguồn lực của WB xúc tác các nguồn khác, trong đó có thể có một số nguồn tư nhân”, bà Kwakwa cho biết thêm.
Hiện WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang phối hợp thực hiện chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) dành cho Việt Nam. Theo dự kiến, đánh giá này sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm nay, đem đến một cái nhìn rõ nét hơn về mức độ nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam.
Việt Nam đang xem xét thành lập một công ty quản lý tài sản để giải quyết vấn đề nợ xấu. Theo bà Kwakwa, công ty này có thể được thành lập vào cuối tháng 3 năm nay. Còn theo ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam không muốn dùng tiền thuế của dân để “giải cứu các ngân hàng nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu”.
Bà Kwakwa cho hay, WB đang tìm kiếm “điều gì đó có thể đem đến cho chúng tôi một cơ sở đáng tin cậy và có mục tiêu cho việc hành động. Chúng tôi hy vọng họ sẽ nghĩ rằng, WB có thể đem tới giá trị, cũng như chúng tôi đã làm ở các quốc gia châu Á khác từng trải qua khó khăn tương tự trong khoảng một thập kỷ rưỡi trước đây”.
Theo VnEconomy