Việt Nam là một trong những nước chính gây ô nhiễm đại dương trên thế giới, theo báo cáo "Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam" phát hành năm 2022 của WB. Báo cáo chỉ ra, tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh và lối sống thay đổi ở Việt Nam đã làm gia tăng chất thải rắn. Trong đó, ước tính lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm. Nhiều vùng biển dọc đất nước trong tình trạng ngập rác.
Cụ thể, trong 14 vùng biển được báo cáo khảo sát ở 9 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nha Trang, TP HCM, Sóc Trăng, Kiên Giang, có tới 10 điểm thuộc nhóm "cực kỳ bẩn" theo thang đo ICC (chỉ số bờ biển sạch). Bộ chỉ số ICC xác định, biển ở Bình Lập và Mỹ Ca (Khánh Hòa) ô nhiễm nhất với chỉ số lần lượt là 379 và 192, bãi biển Lai Hòa (Sóc Trăng) 176, bãi Trường, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) 163.

Rác thải tại bến cảng Bạch Đằng, Phú Quốc, Kiên Giang hồi tháng 7/2019. Ảnh: Dương Quốc Bình
Trong số các đồ nhựa được tìm thấy, nhựa dùng một lần chiếm quá nửa. Rác thải nhựa liên có nguồn liên quan đến đựng đồ ăn mang đi của người dân và du khách chiếm phần lớn ở các địa điểm ven biển với hơn 42% về số lượng và hơn 36% về khối lượng. Một loại rác thải khác cũng được tìm thấy với số lượng lớn là ngư cụ (công cụ để khai thác thủy sản ở biển) với 34% về số lượng và 33% về khối lượng. Báo cáo cũng chỉ rõ, trong nhiều nguồn gây ô nhiễm rác thải ở các vùng ven biển, hoạt động du lịch được xác định là một tác nhân.
Theo số liệu công bố ngày 16/2 từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trước Covid-19 năm 2019, 85 triệu khách nội địa xả ra gần 61.000 tấn rác thải nhựa, 18 triệu lượt khách quốc tế thải hơn 55.200 tấn. Tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ khách du lịch năm 2019 là 116.000 tấn. Ước tính con số này vào năm 2030 gần 340.000 tấn.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tăng gấp ba lần trong 7 năm tới, gây áp lực lớn đến môi trường.
Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) trong báo cáo Tác động của ô nhiễm nhựa đại dương lên các loài sinh vật biển, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái năm 2022 đã phát đi cảnh báo, nhựa có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn biển và hiện đã lẫn trong thực phẩm của con người. Cùng với đó, nhựa đang là mối đe dọa lớn với hệ sinh thái biển đặc biệt là gây ra các bệnh cho rạn san hô, giảm độ che phủ của rừng ngập mặn do đó gây ra lũ lụt lớn hơn ở các cộng đồng ven biển, cũng như các bệnh lây truyền qua đường nước.
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo khuyến cáo, để giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển cần đầu tư xây dựng, cải tiến nâng cấp các công trình hiện có và xây bổ sung những công trình xử lý rác đáp ứng được nhu cầu hiện tại và trong tương lai.
Song song đó, hệ thống xử lý cần có sự đồng bộ từ các công đoạn, quy trình cũng như các cơ sở vật chất phụ trợ như sân, bãi và hệ thống giao thông tiếp địa điểm tập kết và xử lý. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần được tăng cường cũng như được đào tạo các kiến thức đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường trong diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 cho rằng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp để bảo vệ môi trường, trong đó các loại rác thải cần phải được coi là một loại tài nguyên để có thể tái chế, tái sử dụng.
Trước đó, từ tháng 10/2019, Cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Dự án được triển khai tại 7 tỉnh thành, quận huyện gồm A Lưới, Quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), Đồng Hới, Hà Tĩnh, Long An, Rạch Giá, Phú Yên và ba khu Bảo tồn biển Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc.
Tuệ Anh