Thông tin này được nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong buổi họp báo sáng nay (20/7). Theo đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tích cực trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trên đà giảm sút, đặc biệt là Trung Quốc.
"Việt Nam là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới", WB cho hay. Tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 6,2%, thay vì dừng lại ở ngưỡng 6% như dự báo trước đó trên cơ sở cầu trong nước tiếp tục phục hồi, tiêu dùng cá nhân gia tăng và đầu tư tiếp tục cải thiện.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị kịch bản lạc quan chỉ xảy ra trong trường hợp Việt Nam khôi phục được tăng trưởng xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố hệ thống tài khóa.
Hiện tại, nợ công Việt Nam được đánh giá tăng nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tính đến cuối năm 2014, tỷ trọng nợ công so với GDP tăng lên gần 60% GDP, so với mức 50% GDP hồi năm 2011. Nhận định Việt Nam sẽ kiểm soát được nợ công dưới ngưỡng 65% GDP, song tổ chức này cho rằng ngân sách đang phải chịu áp lực lớn do nghĩa vụ thanh toán nợ tăng nhanh, chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi khác.
Tiến độ cải cách cũng chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước dường như đang chậm lại. hết quý I/2015, cả nước mới cổ phần hóa được 29 doanh nghiệp quốc doanh, so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Cải cải ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập, tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu, VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế vẫn là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu.
"Trong tương lai, việc có đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn hay không tùy thuộc vào khả năng Việt Nam có duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu hay không", chuyên gia kinh tế của WB nhấn mạnh.
Phương Linh