Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng 6,2% năm nay. Trong đó, GDP Việt Nam dự kiến tăng 6,3% và nhích lên mức 6,4% năm 2018, 2019 nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, con số của năm 2017 vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đang phấn đấu thực hiện.
Trong khu vực, Thái Lan được dự báo ổn định với mức tăng trưởng 3,2% trong năm nay do tăng đầu tư công và tiêu dùng cá nhân. GDP của các nền kinh tế khác như Indonesia, Philippines, Malaysia lần lượt là 5,2%, 6,9% và 4,9%. Ngược lại, kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến thấp hơn 0,2% so với năm ngoái, ở mức 6,5%.
WB dự báo kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng trở lại, đạt 2,7%. Mức tăng này nhờ các ngành sản xuất, thương mại, niềm tin thị trường và giá hàng hoá đều được phục hồi.
Chủ tịch WB - Jim Yong Kim nhận định: “Tiến trình hồi phục đã bắt đầu tuy còn mỏng manh nhưng các nước cần nắm bắt cơ hội nhằm thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng bền vững. Các quốc gia cần tiếp tục đầu tư vào con người, nâng cao năng lực đề kháng trước các thách thức chồng chéo bao gồm biến đổi khí hậu, xung đột, nạn đói và dịch bệnh".
Tuy nhiên, WB cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng nợ và thâm hụt tăng tại các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển. Tình trạng này có thể khiến lãi suất tăng đột ngột hoặc điều kiện vay vốn bị thắt chặt hơn, dẫn đến hậu quả tiêu cực. "Tin vui là thương mại đã hồi phục. Tuy nhiên, đầu tư vẫn còn yếu và gây lo ngại. Vì vậy, ta phải chuyển hướng ưu tiên và cấp vốn cho những dự án hứa hẹn thu hút những nhà đầu tư tư nhân", Kinh tế trưởng Paul Romer của WB chia sẻ.
Anh Tú