Tại hội thảo tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa ở Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức chiều 12/4, ông Ashraf EL - Arini, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), đã đưa ra thông tin trên. Ngân sách nhà nước chi cho xử lý rác chiếm 75%, còn lại thu từ người dân.
Ông Ashraf EL - Arini đánh giá Việt Nam đang dành nguồn tài chính cho quản lý chất thải sinh hoạt thấp hơn so với mức khuyến nghị và so với quốc tế. Khoản kinh phí trên hiện chỉ đủ trang trải chi phí thu gom, vận chuyển, không đủ cho xử lý và tiêu hủy.
WB đưa ra ba kịch bản giải pháp quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, tương ứng với mức đầu tư từ thấp đến cao. Mức thấp là hệ thống quản lý chất thải rắn cơ bản được hiện đại hóa, ứng với mức chi phí 27.700 tỷ đồng (tăng 154%). Thứ hai là kịch bản giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế tại nguồn, ứng với mức chi phí gần 49.000 tỷ đồng (tăng 350%). Cuối cùng là kịch bản dùng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, mức chi phí gần 89.000 tỷ đồng (tăng 720%).
Ông Ashraf EL - Arini nhấn mạnh nếu không thay đổi cơ cấu nguồn chi cho xử lý rác thải rắn thì chỉ với kịch bản thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ phải chịu gánh nặng lớn. Do đó Việt Nam nên cân bằng nguồn đầu tư xử lý rác từ ngân sách nhà nước, thu phí từ người dân và khuyến khích tư nhân tham gia.
Mỗi ngày Việt Nam phát sinh hơn 64.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị hơn 35.000 tấn, nông thôn hơn 28.000 tấn. Riêng rác thải nhựa khoảng 3,7 triệu tấn, 11% trong số này được thu gom tái chế. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới trong các quốc gia phát thải nhựa đại dương lớn nhất. Mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam giảm được 75% lượng nhựa phát thải ra đại dương.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nhận định phát sinh rác thải nhựa đang là vấn đề lớn đối với Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách góp phần quản lý, xử lý hiệu quả rác thải nhựa. Nhóm công tác hành động quốc gia về rác thải nhựa đã được thành lập và lên kế hoạch cụ thể để chuyển thể các chính sách thành hành động, qua đó góp phần quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả.