Trong một bức thư gửi đến các cổ đông của Tập đoàn Berkshire Hathaway, Warren Buffett bất ngờ tuyên bố ông bị ung thư tiền liệt tuyến. Hiện bệnh ung thư của Buffett vẫn mới ở giai đoạn một, "chưa đe dọa đến tính mạng" theo như lời tỷ phú này.
Không chỉ bất ngờ vì bệnh tật của Buffett, người ta còn lấy làm lạ vì việc công bố này không giống với tính cách của người giàu thứ ba thế giới. Warren Buffett vốn không thích phô trương đời tư cá nhân ra trước dư luận.
![]() |
Tuy bị ung thư, nhưng Warren Buffett vẫn tỏ ra lạc quan để trấn an dư luận và nhà đầu tư. Ảnh: Washington Post |
Giới phân tích cho rằng đây cũng là một bước đi khôn ngoan của vị tỷ phú được mệnh danh "nhà thông thái của vùng Omaha". Việc công bố trước tình trạng sức khỏe của ông đã có tác dụng dập tan những lời đồn đoán có thể gây bất lợi cho Berkshire Hathaway.
Chỉ cần có những tin tức như chủ tịch tập đoàn phải đi xạ trị vài tháng hay người đứng đầu không thể tiếp tục làm việc, giá cổ phiếu có thể đi xuống do nhà đầu tư lo lắng. Do đó, dù thông tin sức khỏe của nhà lãnh đạo là thông tin bắt buộc, nhưng nhiều công ty chọn cách im lặng ví dụ như Apple. Suốt một thời gian dài, dù CEO Steve Jobs gầy ốm đi trông thấy và thỉnh thoảng vắng mặt bất thường nhưng Tập đoàn này vẫn không đưa ra thông báo nào. Thậm chí kể cả khi giới báo chí khắp nơi đưa tin Steve Jobs bị ung thư hay phải phẫu thuật vào năm 2009, nhiều tháng sau các cổ đông của Apple mới được thông báo về tình trạng sức khỏe của ông.
Tuy nhiên, lần này Warren Buffett đã đi trước một bước bằng cách dẹp mọi nghi ngờ ngay còn trong trứng nước. Trong thư thông báo, Buffett viết: "Tôi cảm thấy rất khỏe, như đang ở trong tình trạng hoàn toàn bình thường, và năng lượng đang ở mức 100%".
Giai đoạn một là khi các tế bào ung thư đang ở mức nhỏ nhất và ít nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe. Theo thống kê, những người ở độ tuổi như Buffett bắt đầu bị ung thư tuyến tiền liệt thì chỉ có 10% trong số đó chết vì ung thư. Hiện nay, vị tỷ phú người Mỹ đã 81 tuổi.
Nhiều người bị ung thư đã chọn cách điều trị như phẫu thuật hay xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, có vẻ như Buffet sẽ chọn cách không làm gì cả, chỉ định kỳ xét nghiệm sinh thiết xem khối u phát triển đến đâu. Chỉ khi bắt đầu sang giai đoạn hai với các triệu chứng rõ rệt hơn, ông mới dùng đến các biện pháp can thiệp.
Theo một nghiên cứu năm ngoái tại Mỹ trên các bệnh nhân ung thư tiến tuyền liệt ở giai đoạn đầu, người ta nhận thấy không có sự khác nhau rõ rệt giữa những người chọn cách phẫu thuật ngay với những người không can thiệp. Nhất là những người đã già, việc can thiệp bằng hóa chất hoặc phẫu thuật có vẻ còn gây ra nhiều tác hại hơn. Sau 10 năm kể từ khi bắt đầu bị bệnh, 5,8% những người đã phẫu thuật chết vì ung thư, so với tỷ lệ 8,4% trong số những người chọn cách không can thiệp.
Kết quả này khiến ngày càng nhiều chuyên gia khuyên người bệnh đi theo một quá trình điều trị chậm, theo đó chỉ theo dõi trong giai đoạn đầu. Mỗi năm tại Mỹ, có khoảng 240.000 nam giới được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt, và 33.000 chết vì bệnh này.
Anh Đức