DJIA chốt phiên hôm qua (3/12) giảm 280 điểm, tương đương 1%. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này mất gần 460 điểm. S&P 500 mất 0,7%. Còn Nasdaq Composite mất 0,6%.
Chỉ số đo biến động thị trường VIX lên cao nhất kể từ đầu tháng 10. Trong khi đó, các kênh trú ẩn như vàng, quỹ đầu tư bất động sản lại được ưa chuộng.
Hôm thứ hai, cả ba chỉ số còn đóng cửa với mức giảm mạnh nhất 2 tháng. "Trong bối cảnh chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh trong tháng 11, các tin tức hôm qua là lời nhắc nhở với nhà đầu tư, rằng rủi ro đi xuống vẫn còn tồn tại", Charlie Ripley – chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết trước báo giới tại London (Anh) rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể hoàn thành muộn hơn dự kiến của nhiều người. "Nếu anh muốn biết sự thật, theo một số phương diện nào đó, tôi nghĩ rằng tốt hơn là nên chờ đến sau bầu cử", ông nói.
Tuyên bố này trái ngược với các bình luận trước đó của Trump về việc đàm phán đang tiến triển tốt. Dù vậy, nhà đầu tư chọn cách tập trung vào khả năng xấu. Thị trường đã lạc quan vào khả năng có thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi hai nước hồi tháng 10 tuyên bố sẽ có hiệp định sơ bộ. Nhưng đến nay, thỏa thuận này vẫn chưa được ký kết.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết trên CNBC rằng việc trì hoãn sẽ làm giảm lợi thế của Trung Quốc. Điều quan trọng là Trump không chịu sức ép về thời gian. Ông cũng khẳng định thuế nhập khẩu sẽ vẫn được áp dụng, trừ phi hai nước đạt thỏa thuận. Vòng thuế tiếp theo Mỹ đánh lên Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12.
Hàng loạt thông tin thương mại khác cũng khiến nhà đầu tư lo ngại. Hôm đầu tuần, Mỹ đề xuất đánh thuế hàng Pháp để trả đũa thuế của nước này lên các đại gia công nghệ Mỹ. Trump cũng dọa áp thuế nhôm và thép nhập khẩu từ Brazil và Argentina do tiền tệ các nước này mất giá mạnh.
Tuy phản ứng tiêu cực với tin tức về thỏa thuận với Trung Quốc, nhà đầu tư cũng đã quá quen với việc này từ khi Trump làm Tổng thống. "Chúng tôi chứng kiến nhiều lần rồi. Đây là chiêu đàm phán của Tổng thống thôi, thường bắt đầu khi ông ấy nói rằng Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận hơn là Mỹ", Chris Rupkey – chuyên gia kinh tế tại MUFG nhận xét.
Hà Thu (theo CNN)