Chủ nhật, 26/1/2025
Chủ nhật, 31/8/2014, 10:33 (GMT+7)

Vượt sóng kéo cáp ngầm xuyên biển cho đảo Lý Sơn

120 chuyên gia, kỹ sư Liên danh nhà thầu PRISMAN (Italia) và Công ty xây dựng điện Thái Dương đang chạy đua với thời gian vượt sóng kéo cáp ngầm xuyên biển cho đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trước khi mưa bão ập tới.

Cáp ngầm đã được đấu nối với Trạm điện tiếp bờ biển tại thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng mức đầu tư hơn 652 tỷ đồng do Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư.

Đường dây trung áp trên không (trên đất liền) huyện Bình Sơn dài gần 9 km và đường cáp ngầm trung áp 22 kV dưới biển dài hơn 26,2 km. Ngoài ra, còn gần 3 km đường dây trên không (đi trên đảo) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn sử dụng vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW). 

Cột mốc đánh dấu có cáp ngầm đi bên dưới lòng đất đấu nối với Trạm điện tiếp bờ từ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn xuyên biển ra huyện đảo Lý Sơn. Trong khuôn khổ của dự án, toàn bộ hơn 4.200 công tơ điện tử cho các hộ dân Lý Sơn sẽ được thay thế.

Các nhà thầu đã đưa sà lan dài 72m, rộng 21m, trọng tải hơn 5.000 tấn từ Singapore về Việt Nam phục vụ thi công kéo cáp ngầm xuyên biển cho huyện đảo Lý Sơn. Sà lan đa năng này gồm có xưởng cơ khí, bếp ăn, buồng ngủ cho khoảng hơn 100 chuyên gia, kỹ sư và công nhân sinh hoạt trong thời gian một tháng. 

Các chuyên gia, kỹ sư sử dụng hệ thống máy động lực và ba tàu kéo cáp ngầm trung áp 22kV từ sà lan xuống đáy biển. 

Các chuyên gia, kỹ sư giám sát cáp ngầm xuyên biển qua hệ thống camera quan sát dưới biển tại trung tâm điều khiển trên sà lan. Mỗi khi gặp trục trặc kỹ thuật họ thường dùng bộ đàm để liên lạc cùng nhau tháo gỡ vướng mắc.

Ông Ronald Doloksaribu, Chuyên gia Liên danh Prysmian (Italia) cho hay, hệ thống thiết bị thổi cát và robot có nhiệm vụ xẻ rãnh dưới đáy biển. Sợi cáp được chôn dưới đáy biển sâu gần 1,5m. Khu vực nào gặp đá san hô hóa thạch, nhà thầu rải các túi đá chèn bảo vệ lên trên. Qua hệ thống ống dẫn và hầm tại bờ biển, đầu cáp sẽ được kéo lên để đấu nối với trạm điện trên không ở đất liền và huyện đảo Lý Sơn. 

Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc Công ty xây dựng điện Thái Dương cho biết, để dự án "về đích" kịp tiến độ trước mùa mưa bão năm nay, các chuyên gia, kỹ sư và công nhân phải làm việc cật lực suốt 20 giờ mỗi ngày. 

Cáp ngầm được đặt hàng sản xuất tại Italia, sau đó chuyển đến Nauy thử điện áp rồi chuyển bằng đường tàu biển về cảng Dung Quất (Quảng Ngãi). Đây là lần thứ ba Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai dự án kéo cáp ngầm xuyên biển cấp điện quốc gia nối đất liền với huyện đảo. So với hai dự án ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh), dự án kéo cáp ngầm ra huyện đảo Lý Sơn phức tạp hơn nhiều.

Các chuyên gia, kỹ sư sử dụng phao điều khiển cố định cáp vào đúng rãnh và vị trí đã định vị dưới đáy biển. Các chuyên gia lo ngại, vùng biển đảo Lý Sơn có nhiều rạn đá hóa thạch, có nơi sâu đến 90 m, thời tiết mùa đông có nhiều gió lốc, biển động liên tục nên việc thi công trong tháng 9 này gặp nhiều trở ngại, khó khăn so với hai dự án trước. 

Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty xây dựng điện Thái Dương chia sẻ, sợi cáp có vỏ bọc bên ngoài màu vàng xen kẽ màu đen trông giống con rắn biển ( ngư dân còn gọi là con đẻng) phòng ngừa cá mập tấn công gây ra sự cố. 

Lương thực, thực phẩm tươi sống mang ra dự trữ đảm bảo bữa ăn cho 120 chuyên gia, kỹ sư và công nhân tham gia thi công đấu nối cáp ngầm trên biển phòng khi thời tiết biển động khiến việc đi lại khó khăn. 

Sau gần 1 tuần thi công, các nhà thầu đã rải cáp xuyên biển cách đất liền khoảng 5 km. Theo kế hoạch, nếu thời tiết thuận lợi, cáp ngầm sẽ được đấu nối với Trạm điện bờ huyện đảo Lý Sơn vào ngày 15/9 tới. 

Trí Tín